Mùa cá "ôm" trứng

28/06/2024 - 06:22

 - Mưa già, thời điểm con cá “ôm” trứng tìm nơi an toàn trong tự nhiên sinh sản. Tuy nhiên, do khai thác vô tội vạ, dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản khi mùa lũ sắp về.

Vô tư khai thác

Năm nào cũng vậy, tháng 5 (âm lịch) trời kéo mây đen ùn ùn, rải những hạt mưa xuống đồng ruộng. Nơi nào trũng thì nước đọng lại, tạo thành vùng ngập nước, thuận lợi cho đàn cá “ôm” trứng. Dưới sông sâu, đàn cá đua nhau tìm nơi an toàn để sinh sản. Thời gian này, ngư dân mang ngư cụ khai thác rất mạnh.

Màn đêm buông tĩnh mịch, những chiếc đèn le lói của ngư dân khai thác cá. Thỉnh thoảng, họ í ới gọi nhau trong đêm, rồi buôn chuyện bắt cá to, cá nhỏ, làm huyên náo cả quãng vắng bao la. Họ không nghĩ rằng, khai thác mùa cá đang “ôm” trứng làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Rồi mùa này năm sau, sản lượng cá giảm mạnh, việc mưu sinh sẽ gặp khó.

Cào cá

Mờ sáng, nhiều người khệ nệ bưng thau cá lên chợ bán. Quan sát, những con cá cóc, cá mè vinh, cá ngát... bụng đang mang đầy trứng chuẩn bị chu kỳ sinh sản. Chúng tôi bắt chuyện, hỏi bâng quơ về mùa cá “ôm” trứng, ngư phủ có chung câu trả lời: “Chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn.

Năm nào cũng vậy, mưa xuống là cá sông, cá đồng đều mang trứng. Người dân rất thích mua cá đang có trứng về chế biến”. Đời ngư phủ là vậy, đa số chỉ biết trước mắt, chứ không nghĩ đến chuyện bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Những con cá mang trứng, nếu ngư dân bắt hết trong mùa này thì còn cá đâu nữa để sinh sản!

Theo kinh nghiệm của ngư dân chuyên “đỡ đẻ” các loại thủy sản, trung bình mỗi con sinh sản ước vài trăm con. Hiện nay, trên các dòng sông, nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang cạn kiệt do khai thác quá mức. Nhiều loài cá ít xuất hiện và có nguy cơ biến mất. “Năm nay, cá bông lau, cá thu không thấy xuất hiện trên sông Hậu và sông Vàm Nao. Giờ đây, loài cá bông lau được ngư dân nuôi thành công, nên bạn hàng có nguồn cung để bán tại chợ. Tuy nhiên, cá bông lau nuôi không ngon bằng cá thiên nhiên” - anh Sơn (chuyên thu mua cá ngon tại sông Vàm Nao) bày tỏ.

Nhiều ngư dân cho biết, các khúc sông sâu muốn bắt được cá to phải dùng cào điện, chài điện hoặc lưới rê. Lưới rê thì ngư dân không sử dụng điện, chỉ dùng sức người và thao tác ngậm ống hơi trầm mình xuống sông sâu bắt cá. Cách khai thác cá theo phương thức này thì “lành tính”, không tận diệt.

Còn cào điện, chài điện thì diệt cá chết phơi bụng. Một số ngư dân cho rằng, xuyệt điện chỉ làm cá “đơ” tạm thời, sau vài phút sẽ sống trở lại. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, mỗi lần xung điện “chích” đến đâu thì cá, tôm nhảy vọt chết cứng. Những con cá nào vớt không kịp sẽ chìm sâu dưới đáy nước.

Bán khắp chợ

Rảo một vòng từ chợ nông thôn tới thành thị sẽ thấy nhiều chị bày những thau cá đồng, cá sông rất ngon. Những con cá rô, cá lóc, cá sặc, cá chốt đồng đều mang trứng căng bụng.

Ghé một chợ nông thôn, chúng tôi hỏi giá cá lóc đồng, một chị đon đả cho biết: “Cá lóc 120.000 đồng/kg, cá rô 90.000 đồng/kg, cá sặc, cá mè vinh đồng giá 50.000 đồng/kg. Mùa mưa, con nào cũng có trứng, về kho tiêu, nấu canh chua đều ngon”. Ghé chợ Bình Khánh (TP. Long Xuyên), một chị chuyên bán cá đồng cho biết, nguồn cá được mua từ vùng sâu tỉnh Kiên Giang. Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa thì cá đồng mang trứng đầy bụng.

Cá sửu to “ôm” trứng bị khai thác bán tại chợ

Buổi chiều, tại khu vực chợ ở Bến phà Ô Môi nhóm họp rất nhanh. Ghé hỏi thăm mua cá mè vinh to, một bạn hàng khoe mùa này cá mang trứng ngon lắm! Chị hì hục làm sạch con cá, bên trong toàn trứng. Nếu con cá này được sống ngoài tự nhiên sẽ sinh sản hàng trăm con cá bé và nguồn lợi thủy sản sẽ rất phong phú. Dường như, khi hỏi về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản bắt đầu từ con cá đang mang trứng trong tự nhiên thì ai cũng lắc đầu không biết. Họ chỉ biết đơn giản cá tự nhiên ai cũng bắt được, mưu sinh ngày nào hay ngày đó. 

Theo các chuyên gia, dòng Mekong có ít nhất 1.200 loài cá sinh sống. Thế nhưng, ngư dân chỉ thu hoạch thường xuyên từ 50 - 100 loài, số còn lại thỉnh thoảng bắt dính. Hàng năm, vào mùa “ôm” trứng, cá di cư theo chiều dọc và chiều ngang. Chiều dọc là cá lội theo dòng sông tìm chỗ an toàn sinh sản. Chiều ngang là cá lội từ sông vào các con kênh, rạch, vùng ngập nước để đẻ.

Đề cập đến việc bảo vệ nguồn cá “ôm” trứng mùa này, TS Chau Thi Đa (giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP. Hồ Chí Minh), người con An Giang có nhiều công trình nghiên cứu về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho rằng, mùa này các loại cá đều mang trứng. Khi mưa già, cá sẽ sinh sản mạnh trong tự nhiên. Ngoài sông sâu thì khó quản lý việc khai thác cá mang trứng. Vấn đề này còn phụ thuộc vào việc chế tài của ngành chức năng và ý thức của người dân.

Tuy nhiên, cần phải xác định vùng nào để bảo vệ nguồn cá mang trứng. Đặc biệt, muốn bảo vệ hiệu quả phải tạo môi trường tốt hoặc tạo vùng đệm an toàn để cá có chỗ đẻ thuận lợi. Hiện nay, chúng ta chưa làm được. Ngoài ra, việc bảo vệ nguồn cá đang mang trứng còn phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên, như: Vùng sản xuất 2 vụ, vùng đất ngập nước an toàn… để cá sinh sản.

“Rừng tràm Trà Sư (TX. Tịnh Biên) và rừng tràm Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), chúng ta có thể tạo môi trường an toàn để cá tự nhiên đẻ. Tuy nhiên, môi trường nước nơi đây chưa đảm bảo, nên cá sẽ chết hoặc thoát ra bên ngoài. Đồng thời, phải xác định thời gian nào cá mang trứng sinh sản, từ đó sẽ bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên hiệu quả”- TS Chau Thi Đa bày tỏ.

Mùa mưa, cá đẻ ở vùng ngập nước hoặc dòng sông. Cá non sẽ trôi theo dòng nước tìm thức ăn, rồi lớn dần trong tự nhiên. Khi nước rút, cá di cư tìm nơi ngập nước sâu hơn để trú ẩn. Cá lặp lại vòng đời sinh sản như vậy để sử dụng 3 nơi cư trú riêng biệt (bãi đẻ, nơi kiếm mồi và nơi ẩn náu mùa khô) để duy trì nguồn lợi thủy sản.

Theo ThS Nguyễn Hoàng Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang, hiện nay, búng Bình Thiên (huyện An Phú) là nơi lý tưởng để bảo tồn nguồn cá tự nhiên, bởi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Nếu nạo vét, cải tạo lòng búng sâu hơn sẽ tạo môi trường an toàn cho thủy sản có chỗ trú ẩn và sinh sản.

LƯU MỸ