Bỏ nghề "đục, đẽo" chuyển hướng nuôi ốc nhồi
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn, thời thanh thiếu niên, anh Diện làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Sau nhiều năm lặn lội, anh tích góp được ít vốn rồi mở xưởng mộc nhỏ tại quê nhà. Nhưng do thu nhập từ nghề mộc chẳng được bao nhiêu, không đủ chi tiêu trong gia đình.
Nhờ mô hình nuôi ốc nhồi mà anh Phạm Văn Diện, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, Nam Định thu lãi gần 400 triệu đồng
May mắn một lần xem tivi, anh biết được con ốc nhồi đang trở thành món ăn đặc sản từ Bắc chí Nam. Ở các thành phố lớn, quán ốc vỉa hè mọc lên như nấm, trong khi đó nguồn cung không đủ cầu.
Nắm bắt được điều đó, năm 2017 anh Diện quyết định bỏ nghề mộc, mạnh dạn đưa con ốc nhồi về địa phương nuôi thả và phát triển rộng.
Từ 720m2 ban đầu, đến nay anh Diện đã sở hữu hơn 2 mẫu ao nuôi ốc nhồi bố mẹ, ốc nhồi thương phẩm và 4 bể xi măng với thể tích trên 50m3, chủ yếu để ương nuôi ốc nhồi giống.
Với quy mô như hiện nay, trang trại của gia đình anh Diện thường xuyên duy trì hơn 2 vạn ốc nhồi bố mẹ, khoảng 15 vạn ốc thương phẩm và hơn 20 vạn ốc nhồi giống.
Theo tính toán của anh Diện, trung bình mỗi tháng trang trại cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn ốc nhồi thương phẩm, bán với giá 80.000đ/kg và hàng chục vạn ốc nhồi giống bán đầu và giữa vụ với giá 3- 5 triệu đồng/vạn, tùy vào kích thước.
Anh Diện nhẩm tính: "Với số lượng ốc nhồi bán như trên, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với làm nghề mộc trước đây. Còn so với cấy lúa thì cao hơn rất nhiều lần bởi chi phí giảm, lợi nhuận tăng. Nhờ vậy cuộc sống của gia đình cũng khấm khá hơn".
Để có được mô hình nuôi ốc nhồi hoàn hảo như ngày hôm nay, anh Diện cũng phải nếm trải bao đắng cay, khó khăn nhất định khi mới bước chân vào mô hình.
Anh Phạm Văn Diện (xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cẩn thận kiểm tra trứng ốc đang được ấp trong các thùng xốp.
Anh bảo, trước khi nuôi ốc nhồi, anh đã nhiều lần đi tham quan các mô hình ốc nhồi bên tỉnh Thái Bình. Sau khi nắm bắt cơ bản 1 số kĩ thuật chăn nuôi, anh Diện đầu tư 15 triệu đồng mua 3 vạn ốc nhồi giống về thả ảo.
Thế nhưng, nuôi được một thời gian ngắn, đàn ốc nhồi giống bị chết dần, nổi lềnh phềnh trên mặt nước, kín đặc một khoảnh ao. Anh Diện cầm vợt vớt ốc giống lên lên bờ để đổ đi mà mặt buồn bã.
"Lúc đó tôi rất hoảng và lo sợ, không biết do mua phải giống rởm hay do kĩ thuật nuôi ốc nhồi còn non kém. Ước tính khoảng 50% ốc giống phải vứt bỏ", anh Diện nhớ lại.
Thất bại ngay từ giữa vụ nuôi thứ nhất đã làm cho chàng trai 8X tuổi Đinh Mão "đứng ngồi không yên", nhiều đêm ngủ không ngon giấc.
Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình, hàng ngày anh Diện lên mạng internet sưu tầm tư liệu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ thực tế và dành nhiều thời gian nuôi số ốc giống còn lại để bù đắp thiệt hại ban đầu.
Rất may số ốc còn lại trong ao lớn nhanh, phát triển đồng đều. Kết thúc lứa nuôi thứ nhất, anh Diện đã tự tin hơn bởi anh đã nắm rõ các tập tính của ốc. Nhờ vậy, từ đó đến nay, anh đều nuôi ốc nhồi rất thành công.
COVID-19 không làm cản được bước tiến của ốc nhồi ra thị trường
Dẫn PV Báo điện tử DANVIET.VN đi tham quan các ao nuôi ốc nhồi, anh Diện vui mừng nói: Mặc dù, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản, thủy hải sản bị bế tắc đầu ra do đại dịch COVID-19, nhưng ốc thương phẩm, ốc giống của gia đình vẫn tiêu thụ tốt, không ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi.
Nhờ mạnh dạn đầu tư trong chăn nuôi, đến nay anh Diện (xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã sở hữu hơn 2 mẫu ao nuôi ốc nhồi cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm
"Mọi người vẫn thường nói ngon tại giống, sạch tại tâm. Do đó, trong kinh doanh, tôi đặt chữ "tín" lên hàng đầu. Luôn cung cấp sản phẩm ốc nhồi giống, ốc nhồi thịt đạt chất lượng, đúng yêu cầu của thương lái...", anh Diện khẳng định.
Anh Diện cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, kĩ thuật nuôi ốc nhồi 1 cách tỉ mỉ cho những người mua ốc nhồi giống của mình. Chắc vì đức tính đó, mà mọi người quý và mua sản phẩm của anh nhiều...
Ốc giống được anh Diện (xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) ương trong các tráng lưới.
Với 4 năm kinh nghiệm chăn nuôi ốc nhồi, anh Diện cho hay, ở ngoài miền Bắc vào những tháng hè thời tiết rất oi bức, nắng nóng nên ao nuôi cần thả nhiều bèo và chăng lưới đen tạo bóng râm cho ốc nhồi trú ngụ. Mật độ nuôi ốc nhồi khoảng 100 con/m2 là hợp lý.
Do ốc nhồi mẹ chủ yếu đẻ vào ban đêm, vì vậy sáng hôm sau phải nhặt các buồng trứng đưa vào thùng ấp để đảm bảo tỉ lệ nở con ở mức cao nhất.
Theo anh Diện, thời gian ấp trứng ốc nhồi kéo dài khoảng 15 ngày, nếu ấp đúng quy trình thì tỉ lệ trứng nở con đạt trên 95%.
Anh Diện cho biết thêm, ốc nhồi là loài thủy sản có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh; thi thoảng mắc 1 số bệnh như sưng vòi, nghiêng mình nhưng các bệnh này rất dễ xử lí.
Thức ăn của ốc nhồi chủ yếu là quả và lá mướp, không tốn nhiều chi phí. Để nguồn thức ăn cho ốc không bị thiếu, xung quanh các ao nuôi anh Diện trồng hàng chục gốc mướp.
Chỉ tay xuống đàn ốc nhồi giống đang bâu kín đặc quanh miếng mướp thái lát mỏng, anh Diện bảo, để đảm bảo chất lượng con giống thì ốc bố mẹ sau 2 năm đẻ trứng liên tục cần phải loại bỏ và thay vào đó là ốc nhồi bố mẹ hậu bị.
Khoảng 1 tháng nữa là đàn ốc bước vào giai đoạn cuối vụ và đi ngủ đông. Do vậy, anh Diện đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đàn ốc đảm bảo khỏe mạnh qua vụ đông năm nay.
Theo Dân Việt