Nam Định tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

08/12/2020 - 07:47

Hơn một năm sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định tiếp tục nỗ lực, chủ động không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, bền vững.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến mọi mặt kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho việc huy động nguồn lực trong nhân dân. Song được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cùng sự cố gắng của các ngành, địa phương và nhân dân, chương trình xây dựng NTM ở Nam Định vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
 Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 4-6-2020 về việc bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, thị trấn năm 2020, với nội dung bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực quân sự, tài chính, tư pháp, địa chính, môi trường… cho 1.500 cán bộ, công chức xã. Văn phòng Điều phối NTM tỉnh phối hợp các sở, ngành, địa phương hoàn thành tổ chức các lớp bồi dưỡng cho gần 1.600 cán bộ thôn/xóm về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

Người dân đan lưới ở ven biển huyện Hải Hậu.

 Tổng số vốn huy động thực hiện xây dựng NTM từ đầu năm đến tháng 11-2020 đạt 3.173 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 22,3%, vốn tín dụng 59,3%, vốn cộng đồng dân cư 10,7%, vốn lồng ghép 3,9% và vốn doanh nghiệp 3,8%. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự chủ động huy động nguồn lực của các địa phương và tự nguyện đóng góp của người dân, đến nay Nam Định không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 48,5 triệu đồng/người, năm 2020 ước đạt 52 triệu đồng/người. Các tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn… đều được cải thiện.
 
 Toàn tỉnh Nam Định đã có 13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2019, dự kiến đến hết năm 2020, có thêm ít nhất 51 xã đạt chuẩn. Sáu xã gồm Hải Thanh, Hải Quang, Hải Châu (huyện Hải Hậu); Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng); Giao Phong (huyện Giao Thủy) và Liên Minh (huyện Vụ Bản) đã cơ bản hình thành các mô hình xã NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Có 131 thôn/xóm/tổ dân phố được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
 
 Trong bức tranh chung về xây dựng NTM ở Nam Định, huyện Hải Hậu luôn là điểm sáng nổi bật. Phát huy những thành quả đạt được, huyện tiếp tục triển khai Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện Hải Hậu NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2019 - 2025. Đến nay, tất cả 546 xóm/tổ dân phố đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 524 xóm/tổ dân phố duy trì đạt chuẩn NTM nâng cao từ hai đến bốn năm liên tục. Bình quân các xã, thị trấn trong toàn huyện đạt 17,5/19 tiêu chí xã NTM nâng cao.
 
 Về xây dựng NTM kiểu mẫu, Hải Hậu có hai xóm được công nhận đạt chuẩn, 131 xóm/tổ dân phố được công nhận cơ bản đạt chuẩn. Huyện đã cơ bản hoàn thành ba xã NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp”; hình thành bốn tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện dài 16 km; xây dựng 64 mô hình văn hóa, thể thao và 51 mô hình quản lý, phân loại rác thải tại nguồn kiểu mẫu ở cấp xóm.
 
 Là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Chương trình OCOP tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tháng 2-2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đã họp đánh giá, phân hạng đợt một đối với 26 sản phẩm, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao. Tháng 9-2020, Hội đồng tiếp tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt hai cho 86 sản phẩm của 56 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 10 huyện, thành phố. UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 84 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 74 sản phẩm 3 sao. Kết quả, toàn tỉnh có 146 sản phẩm OCOP (trong đó có 118 sản phẩm 3 sao và 28 sản phẩm 4 sao), vượt 46% so chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Tỉnh Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong bốn tỉnh thực hiện tốt nhất Chương trình OCOP.
 
 Nhìn chung sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng NTM được tỉnh Nam Định xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; được thực hiện quyết liệt trên cơ sở sự đồng thuận của người dân và nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị. NTM Nam Định được xây dựng hiệu quả, thực chất, hướng đến chủ thể là người dân, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.
 
 Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM vẫn tồn tại một số mặt hạn chế. Sau khi được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu không đồng đều ở các địa phương; số lượng sản phẩm OCOP chưa tương xứng với tiềm năng và mới tập trung ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên và TP Nam Định. Việc cải tiến, nâng cấp sản phẩm còn chậm, chất lượng một số sản phẩm chưa cao, sản phẩm mới còn ít. Tiến độ xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung ở một số địa phương còn chậm; việc huy động các nguồn lực xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp trường học.
 
 Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực và sự đồng thuận, Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025 có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu.

Theo TRẦN KHÁNH (Báo Nhân Dân)