Nâng cao chất lượng hội họp

29/04/2019 - 08:23

 - Cải tiến chất lượng hội họp luôn là vấn đề trăn trở của những nhà quản lý, người đứng đầu các đơn vị. Họp nhiều sẽ tốn thời gian, kinh phí, tạo áp lực cho nhân viên tuyến dưới, nếu không họp thì không thể bàn bạc để cùng nhau giải quyết vấn đề. Do vậy, họp sao để thật hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức là vấn đề các cấp, ngành cần lưu ý cải thiện.

Thực tế cho thấy, tại một số hội nghị, cuộc họp, tất cả thành viên ban tổ chức và đại biểu được mời tham dự đều mất thời gian cho việc đọc và nghe các báo cáo dài dòng mà nội dung ít phản ảnh trọng tâm công việc phải làm, thiếu cơ sở để đề ra những giải pháp thực hiện. Không ít cơ quan, đơn vị khi họp phải huy động đông người đến dự nhưng lại chưa chú trọng nội dung, phương thức tổ chức. Có những cuộc họp triển khai công tác năm cùng nhiều vấn đề cần được trao đổi, thảo luận nhưng đại biểu khi phát biểu ý kiến chủ yếu nêu thành tích, còn những vấn đề đang đặt ra, những việc phải làm thì đề cập sơ sài, chiếu lệ. Có những cuộc họp, hội nghị chỉ toàn là báo cáo, báo cáo tham luận, điển hình, đóng góp ý kiến rất ít, sau đó là ý kiến kết luận hội nghị. Trong khi đó, có hội nghị lại có rất nhiều vấn đề được đem ra bàn luận sôi nổi mà không đủ thời gian để giải quyết.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp nâng cao chất lượng các cuộc họp

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển công nghệ mà họp trực tuyến ra đời đã giải quyết nhu cầu họp trên quy mô lớn như toàn quốc đối với các tỉnh, thành phố, giữa tỉnh và các huyện, xã. Chẳng hạn, với sự phối hợp của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, các vấn đề trên nhiều lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, văn hóa - xã hội đều được Văn phòng Chính phủ tổ chức họp trực tuyến toàn quốc để lắng nghe ý kiến nhiều hơn từ các địa phương, góp phần hoàn thiện các chính sách, giải pháp phát triển chung cho đất nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhờ vào công nghệ mà chúng ta lần đầu tiên mang vấn đề dường như chỉ xem là nhỏ, ít được UBND các tỉnh, thành phố quan tâm như “vấn nạn bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em” ra để bàn thẳng, bàn sâu để tìm giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chính nhờ họp trực tuyến với các sở, phòng giáo dục và đào tạo, các trường học, bộ mới biết các chỉ thị, thông tư, công văn của ngành về phòng, chống bạo lực học đường vẫn chưa được triển khai đến cơ sở, chưa được hiệu trưởng các trường quan tâm đúng mức. “Chính vì cuộc cách mạng công nghệ đang lan tỏa sâu rộng trong mọi mặt đời sống nên bản thân người đứng đầu, chủ quản các cơ quan cần phải nắm bắt và đi tiên phong, trước hết là ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực hành chính. Chính sự ra đời của Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ giúp các cơ quan giảm bớt chi phí trong trao đổi thông tin, giảm bớt hội họp và có hội họp cũng sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn.

Đầu năm 2019, cả nước đã chứng kiến hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ với một chiếc máy tính bảng có thể phê duyệt các đề án cần trình ký, mà không cần đến bất kỳ một văn bản nào. Vậy tại sao trong hội họp, ban tổ chức không vận dụng gửi tài liệu qua mail hay các phương tiện kết nối riêng của các đơn vị để giảm chi phí in ấn. Đồng thời, các đại biểu cũng có thời gian nghiên cứu báo cáo, nội dung thảo luận, đến khi diễn ra cuộc họp mới có đủ thời gian thảo luận hay cùng xem các video clip để hiểu rõ hơn vấn đề.

Với sự phát triển của công nghệ, quy mô cuộc họp diễn ra ngày càng rộng lớn, tính chất các cuộc họp càng đi sâu vào đời sống xã hội. Do vậy, rất cần nâng cao chất lượng các cuộc họp, không nên chỉ là nơi báo cáo thành tích, phát biểu quá dài dòng như sự tự giới thiệu về cá nhân, đơn vị mà hãy là nơi thể hiện sự dân chủ, đóng góp những ý kiến có trọng tâm, trọng điểm, những sáng kiến để giải quyết vấn đề và xây dựng các hoạt động, chương trình mang lợi ích thiết thực chung cho toàn xã hội.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG