Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thu Phương, việc chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ là một trong những chức năng cơ bản của hoạt động nữ công công đoàn các cấp. Trong quá trình khảo sát trên toàn quốc về thực hiện chính sách cho lao động nữ, Ban Tuyên giáo - Nữ công nhận thấy việc thực hiện chế độ, chính sách cho lao động nữ ở một số doanh nghiệp (DN) chưa thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật. Người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến thực hiện chính sách, chế độ cho lao động nữ, mà chỉ chú trọng chính sách cho lao động nói chung. Nhiều DN có khả năng thực hiện tốt hơn chính sách cho lao động nữ, nhưng vì chưa có công đoàn đề xuất nên họ cũng chưa quan tâm. Trình độ của cán bộ nữ công công đoàn chưa đồng đều, chưa được đào tạo bài bản, chưa tự tin để mạnh dạn đối thoại, đề xuất những chính sách riêng cho lao động nữ.

Cán bộ công đoàn thực hành bài tập đối thoại với tình huống giả định trong doanh nghiệp
Từ những nguyên nhân trên, tháng 7/2023, ban đã đề xuất đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động điểm để chăm lo đại diện bảo vệ và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc. Từ hoạt động điểm, trong 2 năm (2023 - 2024), Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai ở 6 địa phương: Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Tại 6 DN của các địa phương trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hướng dẫn, cung cấp nội dung, kịch bản, quy trình, các chính sách tư vấn cụ thể cho DN để tổ chức đối thoại điểm. Khi tổ chức, ít nhất mỗi DN đã có 3 chính sách có lợi cho lao động nữ được chủ sử dụng lao động đồng ý và áp dụng thành công, người lao động rất phấn khởi.
Nối tiếp thành công đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam muốn nhân rộng, hướng dẫn cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở áp dụng tổ chức đối thoại, đề xuất các chính sách dành riêng cho lao động nữ tại nơi làm việc. Đợt tập huấn tổ chức tại tỉnh An Giang, 120 cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở của các DN đã được thông tin các nội dung cần thiết, vừa trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong thực tiễn, đặc biệt thực hành để báo cáo viên chỉ ra những kinh nghiệm, điểm lưu ý cán bộ nữ công trau dồi thêm kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể. Ông Ngô Quang Khánh (Chuyên viên cao cấp, Ban Chính sách pháp luật - Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhấn mạnh, tất cả văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam đều hướng đến bình đẳng giới. Đối thoại là việc rất gần gũi, nhưng lại được hiểu có phần “xa vời” trong thực tế, song đối thoại không phải là việc khó khăn, hiểu đơn giản là trao đổi, chia sẻ và quan trọng là người cán bộ công đoàn có mạnh dạn đối thoại, thương lượng hay không?
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết, trên địa bàn, công tác chăm lo cho lao động nữ được công đoàn cơ sở phối hợp quan tâm khá đầy đủ, ổn định. Tuy nhiên, hầu hết các thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn cơ sở đều tập trung cho lao động nói chung ở công ty, chưa có nhiều đề xuất chính sách đối thoại, thỏa thuận thương lượng riêng cho lao động nữ. Lớp tập huấn này đã trang bị rất nhiều những kiến thức, kỹ năng cần thiết để áp dụng trong thời gian tới cho cán bộ công đoàn tham gia đối thoại tại DN mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Trong đó, nắm bắt được nhu cầu, tình hình, đặc điểm của môi trường lao động để đề xuất thương lượng, đối thoại mong muốn đáp ứng của cả đôi bên để đưa ra các yêu cầu về phúc lợi phù hợp, hài hòa cho lao động nữ.
So với cả nước, An Giang được đánh giá có tình hình quan hệ lao động ổn định, ít biến động. LĐLĐ tỉnh thông tin, thời gian qua, việc tổ chức đối thoại trong các DN khu vực ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn chuyển biến tích cực, vai trò của ban chấp hành công đoàn cơ sở ngày càng phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn, linh hoạt hình thức tổ chức. Năm 2024, có 265 DN tổ chức các buổi đối thoại định kỳ hay đột xuất để giải quyết những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của công nhân lao động, đạt tỷ lệ 100%, với những hình thức linh hoạt. Qua đó, ban chấp hành công đoàn cơ sở đã nắm được tâm tư, nguyện vọng, thắc mắc, kiến nghị của người lao động và kịp thời trao đổi với chủ DN để tháo gỡ, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định trong DN nên không xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công tại DN. Đặc biệt, công đoàn cơ sở luôn quan tâm để có những đề xuất cần thiết cho lao động nữ.
MỸ HẠNH