Nâng chất hoạt động hội và phong trào nông dân

13/08/2024 - 07:03

 - Đó là mục tiêu của Hội Nông dân tỉnh An Giang từ nay đến cuối năm 2024. Đồng thời, tập trung chỉ đạo tổ chức thành công đại hội tuyên dương nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, đẩy mạnh vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân, thành lập và phát triển chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với vùng nguyên liệu...

Những tháng đầu năm 2024, các cấp hội trong tỉnh thực hiện 16/18 chỉ tiêu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao. Trong đó, 9 chỉ tiêu đạt và vượt rất cao. Các cấp hội ký kết nhiều chương trình phối hợp với công ty, doanh nghiệp, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH AQUA Cửu Long, Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Felix, VNPT An Giang… để triển khai hoạt động liên kết hỗ trợ nông dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh hỗ trợ thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; thực hiện Chương trình 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL; tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp cho nông dân; kết nối với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện dự án xử lý rác thải khu vực nông thôn (kinh phí 3 tỷ đồng). Đặc biệt, củng cố, kiện toàn, bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2023 - 2028, giúp hoạt động của hội nhanh chóng đi vào ổn định.

Các cấp hội tổ chức đại hội tuyên dương nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi đúng thời gian, tiến độ

Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là chỉ đạo tổ chức thành công đại hội tuyên dương nông dân SXKD giỏi các cấp, tiến tới Đại hội nông dân SXKD giỏi tỉnh An Giang lần XX, giai đoạn 2022 - 2024, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, đôn đốc các cấp hội hoàn thành đúng thời gian, tiến độ, bảo đảm chất lượng, nhằm vinh danh cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào nông dân. Đến nay, các cơ sở hội đã hoàn thành công tác tổ chức đại hội. TX. Tịnh Biên là đơn vị đầu tiên tổ chức thành công đại hội cấp huyện.

Trong mục tiêu phát triển chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các cấp hội vận động thành lập mới 28 chi hội, 154 tổ hội; nâng tổng số toàn tỉnh hiện nay có 202 chi hội, 1.165 tổ hội. Nhìn chung, hoạt động của chi, tổ hội cơ bản đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên địa bàn dân cư với hội viên chi, tổ hội trong liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và cùng nhau hưởng lợi.

Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do hội nông dân các cấp trong tỉnh quản lý là hơn 45,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác SXKD, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, như: Ứng dụng kiểm soát tưới phun thông minh qua thiết bị di động, ứng dụng điện năng lượng mặt trời vào sản xuất…

Đẩy mạnh vận động nông dân phát triển sản phẩm OCOP

Dù đạt được những kết quả tích cực trong công tác hội và phong trào nông dân, Hội Nông dân tỉnh vẫn đối mặt với những hạn chế, khó khăn nhất định. Trong đó, công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có nơi còn thiếu quyết liệt; một số cơ sở hội chưa kịp thời cụ thể hóa chương trình, kế hoạch, công tác đến hội viên, nông dân. Hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể chưa thật sự bền vững, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nên chưa thu hút được hội viên, nông dân tham gia.

Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra từ nay đến cuối năm 2024, Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu; tích cực đổi mới công tác phát triển hội viên, đẩy mạnh vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân, thành lập và phát triển chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với vùng nguyên liệu sản xuất; xúc tiến thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện “Đề án nâng cao hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh”, giai đoạn 2018 - 2023; yêu cầu các cấp hội tăng cường quản lý, sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo việc thu hồi vốn theo quy định.

Tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội phù hợp với tình hình thực tế, bám sát địa bàn cơ sở, lấy cơ sở làm trung tâm để triển khai hoạt động; lắng nghe và tiếp thu ý kiến của hội viên, nông dân để có những tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết nhu cầu bức xúc của hội viên, nông dân…

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tập trung chỉ đạo tổ chức thành công đại hội tuyên dương nông dân SXKD giỏi các cấp, hội thao nông dân, hội thi nhà nông đua tài. Tăng cường hỗ trợ nông dân có sản phẩm, dịch vụ đầu vào đúng chất lượng, liên kết doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nông dân An Giang tiếp cận nhu cầu thị trường, bắt kịp xu thế phát triển của thời hội nhập.

MINH QUÂN