Nâng chất lượng giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL

08/08/2024 - 06:33

 - Thực hiện chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)”, năm học 2023 - 2024, ngành GD&ĐT 12 tỉnh ĐBSCL (Cụm thi đua số 8) tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các nghị quyết, đề án phát triển GD&ĐT. Tiếp tục tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT.

Nhiều kết quả

Cụm thi đua số 8 gồm Sở GD&ĐT của 12 tỉnh ĐBSCL là: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Từ đầu năm học 2023 - 2024, các sở GD&ĐT trong Cụm Thi đua số 8 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, cùng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT được triển khai hiệu quả.

Toàn cụm có khoảng 3.803 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 63,66%); các tỉnh có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao, như: Bạc Liêu (84,42%), Hậu Giang (83,07%), Sóc Trăng (82,77%)… góp phần thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT, khoảng cách chênh lệch về chất lượng GD&ĐT giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp.

Chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh An Giang tiếp tục được nâng lên

Chất lượng GD&ĐT của các tỉnh tiếp tục được duy trì, nhiều mặt được nâng lên. Nổi bật là, tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, An Giang đứng trong “tốp 10” tỉnh, thành phố của cả nước có điểm trung bình cao nhất và đứng đầu khu vực ĐBSCL với 7,024 điểm. Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia cấp THPT, toàn Cụm thi đua số 8 có 279 học sinh đạt giải (tăng 171 giải so năm học trước), tiêu biểu các tỉnh: Tiền Giang (46 giải), Kiên Giang (38 giải), An Giang (33 giải), Long An và Đồng Tháp (26 giải)…

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tăng cả về số lượng và chất lượng (toàn cụm hiện có 211.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học), cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển GD&ĐT. Công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài đạt nhiều kết quả; công tác xây dựng xã hội học tập được quan tâm chỉ đạo thực hiện…

Các cơ sở giáo dục phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học (lớp 1, 2, 3, 4); cấp THCS (lớp 6, 7, 8); cấp THPT (lớp 10, 11) và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai năm học 2024 - 2025.

Công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, trong hoạt động dạy và học được chú trọng, nhất là việc số hóa, sổ điểm và học bạ số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Tăng chia sẻ

Tại Hội nghị tổng kết Cụm thi đua số 8, Khối các sở GD&ĐT năm học 2023 - 2024 do Sở GD&ĐT tỉnh An Giang làm cụm trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Bộ GD&ĐT, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong khu vực đối với sự nghiệp GD&ĐT thời gian qua. Mong tiếp tục nhận được nhiều quan tâm, chia sẻ của bộ và các đơn vị để sự nghiệp GD&ĐT của ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội...

Biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu các tỉnh trong công tác giáo dục và đào tạo

Hội nghị đã giới thiệu các mô hình, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến để các thành viên trong cụm chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT, tạo gắn kết giữa các thành viên.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thị Ngọc Diễm cho biết, tỉnh An Giang đã tích cực trong việc thay đổi đáp ứng với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, tích cực học tập về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng tốt chuẩn đào tạo theo quy định hiện hành; được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

Tỉnh Bạc Liêu chú trọng đổi mới công tác quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình…

Tỉnh Bến Tre triển khai hiệu quả hoạt động chuyên môn và các mô hình trong quản lý giáo dục: Tổ chức hội thảo, tập huấn cấp ngành về dạy và học môn Ngữ văn, Toán; tài liệu giáo dục địa phương; cách viết bài nghiên cứu khoa học, sáng kiến giảng dạy, giáo dục STEM; đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập…

Tỉnh Cà Mau chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh thông qua việc điều chỉnh linh hoạt nội dung và phương thức dạy học, lấy học sinh làm trung tâm. Quy mô giáo dục tiếp tục ổn định và phát triển bền vững; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đảm bảo.

Tỉnh Đồng Tháp có số trường mầm non, tiểu học và THCS công lập được sắp xếp vượt tiến độ năm 2025 của tỉnh. Các trường chủ động thực hiện công tác chuyên môn trong điều kiện thực hiện song song Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ được triển khai gắn với sắp xếp, tinh giản biên chế theo hướng đảm bảo cơ bản số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu dạy học…

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tặng quà lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thuộc Cụm thi đua số 8

Bên cạnh nhiều kết quả, cơ sở vật chất, thiết bị trường học tuy được các tỉnh quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là phục vụ đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số địa phương còn phòng học bán kiên cố, thiếu phòng học, thiếu thiết bị dạy học đối với các lớp thực hiện sách giáo khoa mới... 

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Hạnh biểu dương việc nâng cao chất lượng GD&ĐT các địa phương trong Cụm thi đua số 8. Đồng thời, mong muốn các sở GD&ĐT các tỉnh Cụm thi đua số 8 tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế. Tập trung thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh về phát triển GD&ĐT…

Mặc dù đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp thường xuyên được các tỉnh tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình thay sách giáo khoa, nhưng tại một số tỉnh, tỷ lệ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày; thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương (thiếu giáo viên môn tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học; môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đối với cấp THCS; hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với cấp THPT…). Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng giáo viên...

 

HỮU HUYNH