Giảm khó khăn cho nông dân
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn, năm 2021, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 120.882ha (gần 110% kế hoạch); năng suất bình quân 6 tấn/ha, sản lượng lúa đạt 711.483 tấn (tăng 32.438 tấn so năm 2020). Nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững, huyện hỗ trợ thành lập mới thêm 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nâng số HTX toàn huyện lên 24 HTX (20 HTX đang hoạt động). Tập đoàn Lộc Trời liên kết được 10 HTX, diện tích 1.727ha. Huyện Tri Tôn còn có 48 tổ hợp tác với 600 thành viên và 23 trang trại chăn nuôi, trồng trọt đang hoạt động.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, từ quý III-2021, thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến thu hoạch, tiêu thụ; giá nhiều mặt hàng nông nghiệp rơi xuống thấp. Khi vấn đề hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển được tháo gỡ thì khó khăn khác lại xuất hiện: Giá vật tư nông nghiệp tăng rất nhanh. Điển hình như phân DAP, nếu đầu năm 2021 là 480.000-500.000 đồng/bao thì nay tăng lên 1,3 triệu đồng/bao; thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 6-20%.
Thương hiệu gạo A An sẽ được sản xuất từ vùng nguyên liệu lúa huyện Tri Tôn
Nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân, Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật thường xuyên tham gia cùng đoàn liên ngành 389, kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp, cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp bán hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả... Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện Tri Tôn, chủ động làm việc với Tập đoàn Lộc Trời, UBND xã, thị trấn để liên kết tiêu thụ lúa trong vụ đông xuân 2021-2022, diện tích ước đạt 20.000ha (theo hình thức rải vụ, truyền thống và bao tiêu lợi nhuận).
Tổ phản ứng nhanh của huyện thường xuyên trao đổi thông tin với xã, thị trấn; cập nhật giá cả thị trường, mặt hàng nông nghiệp, rau, củ, quả của huyện có khả năng ùn ứ, không tiêu thụ được để đề xuất, kiến nghị về tỉnh hỗ trợ. Trước đó, huyện được Quân khu 9 đưa chiến sĩ xuống hỗ trợ thu hoạch trên 1.200ha lúa hè thu ở thị trấn Cô Tô.
Đối với 72ha lúa mùa nổi trên địa bàn xã Vĩnh Phước và Lương An Trà, lúa phát triển tốt, năng suất đạt 180-200kg/công, đã được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu sản phẩm, giá 16.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Với giá và năng suất này, mỗi công đất, nông dân thu nhập khoảng 3 triệu đồng. So với lúa cao sản, canh tác lúa mùa nổi có lợi hơn khi không cần bón phân, xịt thuốc, ít tốn công chăm sóc, tạo ra sản phẩm sạch hoàn toàn. Nông dân chỉ cần cày xới đất vào đầu mùa mưa, sạ lúa rồi chờ thu hoạch sau khi con nước rút. Gốc rạ lúa mùa nổi giúp trồng cà tím, kiệu, ớt, bắp… đạt năng suất cao, giảm chi phí.
Kỳ vọng phát triển
Chiều 18-1 vừa qua, huyện Tri Tôn vinh dự đón Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, đoàn công tác Trung ương và đoàn công tác tỉnh đến tham dự lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long tại xã Lương An Trà. Với diện tích 161.000m2, đây được xem là nhà máy gạo có quy mô lớn nhất Châu Á. Nhà máy còn sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại được nhập khẩu từ Châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Văn thông tin: “Huyện đang đẩy mạnh liên kết với Nhà máy gạo Hạnh Phúc. Vụ đông xuân 2021-2022, toàn huyện sản xuất khoảng 40.000ha, năng suất bình quân 7 tấn/ha, riêng Nhà máy gạo Hạnh Phúc có thể thu mua được 42-45% sản lượng lúa toàn huyện. Phòng NN&PTNT làm việc với lãnh đạo Nhà máy gạo Hạnh Phúc, thống nhất xây dựng, thành lập HTX tại xã Lương An Trà. Ngoài ra, còn có 10 HTX trên địa bàn huyện tham gia liên kết, tiêu thụ lúa với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex). Về quy hoạch vùng nguyên liệu hợp tác với Tập đoàn TH, UBND huyện làm việc với tập đoàn, thống nhất thành lập 1 HTX tại xã Vĩnh Gia, diện tích liên kết tiêu thụ ban đầu là 500ha”.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn nông dân tăng cường áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” trên địa bàn huyện chiếm 86% tổng diện tích sản xuất, trong đó có 40% áp dụng “1 phải, 5 giảm”. “Bên cạnh áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ, ngành nông nghiệp huyện cũng triển khai trong hệ thống toàn ngành, từ huyện đến xã đẩy mạnh tuyên truyền bà con nông dân đang canh tác lúa, trồng cây ăn trái, rau màu tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản, giúp giảm chi phí và tạo ra sản phẩm an toàn hơn” - ông Văn nhấn mạnh.
NGÔ CHUẨN