Năng lượng mặt trời cho nông nghiệp

27/08/2020 - 06:26

Nếu đầu tư khai thác hợp lý, năng lượng mặt trời sẽ hỗ trợ đắc lực cho các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại nông nghiệp quy mô lớn, du lịch nông nghiệp…

Giảm nhiều chi phí

An Giang là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất ĐBSCL với nhiều loại hình nông nghiệp phong phú, đa dạng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, đối với sản xuất lúa 3 vụ/năm, mang lại thu nhập cho người nông dân bình quân từ 45 triệu đồng/ha/năm.

Trong khi đó, những mô hình cây ăn trái (bưởi, nhãn, dưa lưới…) cho lợi nhuận từ 500 triệu đồng/ha/năm. Với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cho doanh thu từ vài tỷ đồng/ha/năm. Với năng suất lúa đạt đỉnh 7 tấn/ha, An Giang cung cấp sản lượng lương thực từ 3,7-3,9 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (lũ lụt, sạt lở đất bờ sông…) và tình trạng giá lúa, thủy sản, rau màu, cây ăn trái… không ổn định.

Điện mặt trời áp mái có tốc độ phát triển nhanh, có thể tận dụng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao

Ông Thọ cho rằng, An Giang có tiềm năng lớn khai thác điện năng lượng mặt trời bởi tỷ lệ nắng nhiều, bức xạ nhiệt cao. “Nếu áp dụng điện mặt trời áp mái vào các trại chăn nuôi heo, bò, gà… có thể giúp giảm lượng điện tiêu thụ từ điện lưới, giảm nhu cầu tiêu thụ điện làm mát cho trại chăn nuôi. Các hầm, bè nuôi thủy sản; các nhà lưới, trang trại trồng trọt có thể tận dụng khai thác điện năng lượng mặt trời để giảm chi phí bơm tưới, làm mát” - ông Thọ nhận xét.

Nếu tính giá bán điện cho điện lực khi hòa ngược vào hệ thống điện lưới thì cứ 100m2 sẽ đạt được doanh thu tương đương 108 triệu đồng/năm (100m2 x 0,45kWp x 4 giờ/ngày x 365 ngày x 1.644 đồng/kWh = 108.000.000 đồng/năm). Đây là mức doanh thu rất hấp dẫn nhưng khó khăn chung cho các chủ thể sản xuất là thiếu nguồn vốn đầu tư, vướng mắc về cơ chế, chính sách, hạ tầng lưới điện...

Cần điều chỉnh phù hợp

Theo TS Trần Hữu Hiệp (cố vấn Nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL, thuộc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - GreenID), theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18-3-2016 thì tổng công suất điện mặt trời năm 2020 đạt 850MW (0,85GW), năm 2025 đạt 4GW, năm 2030 là 12GW.

Tuy nhiên, trên thực tế đã có sự phát triển nhảy vọt chưa từng thấy. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất tại Việt Nam đạt ít nhất 7GW vào năm 2020 (gấp hơn 8 lần quy hoạch). Giai đoạn 2021-2030, tiềm năng vượt xa mục tiêu 12GW.

“Tuy nhiên, việc phát triển mang tính bùng nổ của điện mặt trời cũng đang vướng mắc các điểm nghẽn về cơ chế chính sách liên quan thị trường điện, chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư; vướng mắc trong thực thi chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo. Làm thế nào để tháo gỡ điểm nghẽn, đạt được “lợi ích kép” trong phát triển đồng thời điện mặt trời và nông nghiệp là vấn đề cần được nghiên cứu giải quyết thấu đáo” - TS Trần Hữu Hiệp lưu ý.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, trong số những dự án được đề xuất bổ sung quy hoạch điện mặt trời, khu vực ĐBSCL chiếm nhiều nhất. Để tránh nảy sinh xung đột giữa phát triển điện mặt trời với sử dụng đất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, cần nghiên cứu mô hình sử dụng kết hợp điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp mà một số quốc gia đã áp dụng thành công. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với ĐBSCL, vừa là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản của cả nước, vừa là vùng có tiềm năng to lớn trong bản đồ năng lượng tái tạo quốc gia.

“Theo nghiên cứu của Tổ chức phát triển Đức, tiềm năng tổng công suất điện mặt trời vùng ĐBSCL có thể lên đến hơn 136GW, điện lượng ước tính 216,5 tỷ kWh/năm, nhiều gấp đôi so 108 tỷ kWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng” - TS Trần Hữu Hiệp thông tin.

Để thực hiện “mục tiêu kép” là phát triển kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, cần giải quyết 3 điểm nghẽn cơ bản là: vướng mắc từ nền tảng pháp lý, cơ chế chính sách và quy định hiện hành; cơ sở hạ tầng truyền tải điện yếu kém, chưa sẵn sàng tiếp nhận nguồn năng lượng mới; sự vận hành chậm chạp và bất cập của thị trường điện cạnh tranh chưa đúng nghĩa.

“Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 25-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì điện mặt trời là 1 trong 4 nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên, khuyến khích phát triển ở nước ta hiện nay (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối và thủy điện)” - TS Trần Hữu Hiệp thông tin.

NGÔ CHUẨN