Nâng tầm giá trị nếp Phú Tân

04/08/2022 - 07:06

 - Từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nếp chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu, giúp nông dân trồng nếp có lợi nhuận cao hơn, phát triển ổn định lâu dài… là những mục tiêu trọng tâm huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) hướng đến. Để thực hiện, địa phương đã ký kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) để cùng hỗ trợ nông dân thực hiện quy trình sản xuất mới, quyết tâm xây dựng và khẳng định thương hiệu nếp trên thị trường.

Tham gia vào liên kết, nông dân được đảm bảo sản xuất ổn định và có lợi nhuận

Theo nội dung ký kết, giai đoạn 2023-2025, Tập đoàn Lộc Trời sẽ thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp tại huyện Phú Tân với diện tích 10.000ha/vụ. Cán bộ của Tập đoàn Lộc Trời tham gia thành viên hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và giữ chức danh phó giám đốc điều hành phụ trách liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Doanh nghiệp (DN) này và huyện Phú Tân đồng thời cùng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nếp Phú Tân “Nếp - An Giang” và triển khai cấp mã số vùng trồng trên lúa trong vùng nguyên liệu liên kết với Tập đoàn Lộc Trời. Trong khuôn khổ nội dung hợp tác, 2 bên còn thống nhất thuê đất của nông dân làm điểm chuỗi liên kết bền vững ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất; xúc tiến thành lập liên hiệp HTX nông nghiệp…

Vụ thu đông năm 2022, huyện Phú Tân xả lũ 11.414ha, còn lại diện tích canh tác 12.441ha (trong đó 50% sản xuất nếp). Kế hoạch phối hợp được khởi động từ thời điểm này. Như vậy, kế hoạch 10.000ha nếp là một thách thức trong triển khai, cần có sự vào cuộc quyết liệt của địa phương từ cấp tỉnh tới huyện, xã và có những chính sách phù hợp từ địa phương và Tập đoàn Lộc Trời. Huyện đã chọn các xã trọng điểm sản xuất nếp theo tiêu chuẩn EU, những vùng còn lại triển khai 2 giống lúa: OM18 và OM5451, cả 2 đều làm theo mô hình truyền thống thông thường.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, tác động từ tình hình chính trị, kinh tế của các nước trên thế giới, dự báo giá lương thực sẽ tăng, nhưng giá lúa gạo sẽ giảm. Nguyên nhân là các nước sử dụng gạo hiện nay đều sản xuất được lúa tương tự như Việt Nam. Vì vậy, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phải làm sao để nông dân làm nông nghiệp có lời nhiều hơn là một nhiệm vụ quan trọng. Đó là chưa kể, để đảm bảo sản xuất bền vững còn cần những yêu cầu đi kèm là giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình canh tác.

Phú Tân là huyện đi đầu trong thực hiện chủ trương xả lũ, thay vì sản xuất “3 năm 8 vụ hoặc 9 vụ”, huyện đã thực hiện “2 năm, 5 vụ”. Đây là giải pháp hiệu quả để đất đai tuần hoàn, đảm bảo sản xuất lâu dài, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa giúp đất trồng tốt lên nhờ được bồi đắp phù sa. Chủ trương này được ngành nông nghiệp khuyến khích nhân rộng ở các địa phương khác để tiến tới sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch, sản xuất ít nhưng giá trị và chất lượng cao.

Huyện Phú Tân là địa phương đầu tiên ký kết ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sau khi UBND tỉnh đã ký kết với DN này. “Nếu nông dân “mạnh ai nấy làm” như truyền thống sẽ rất khó khăn, do chí phí nặng. Chỉ có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ mới có thể giải quyết cái khó này. Nông dân sẽ được tiếp cận cách làm mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa trên đồng ruộng, biến từng mảnh ruộng nhỏ thành “Cánh đồng lớn”. Kéo theo đó, vấn đề thiếu nguồn lao động và chi phí sản xuất cũng được giảm áp lực đáng kể. Đây là những điểm mới cần được đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ, an tâm làm là có lời” - ông Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị huyện Phú Tân củng cố Tổ phản ứng nhanh cấp huyện đến cấp xã, tháo gỡ kịp thời khó khăn trong quá trình triển khai, không để một vài trường hợp ảnh hưởng đến việc liên kết chung. Bên cạnh đó, huyện phấn đấu mỗi xã có 1 mô hình của Tập đoàn Lộc Trời, tạo tiền đề cho những vụ nối tiếp triển khai nhanh hơn.

Trong đó, cần đẩy mạnh truyền thông về các xã đã thực hiện thành công để những xã còn lại học tập kinh nghiệm. Cùng với đó, UBND huyện Phú Tân và Tập đoàn Lộc Trời nhanh chóng hình thành thêm HTX kiểu mới và trong năm nay hình thành 1 liên hiệp HTX để giải quyết những khó khăn mà các HTX khác chưa làm được.

Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Lê Nguyên Châu cho biết, trong việc thực hiện liên kết, lợi ích đem lại cho người dân là rất lớn so với những khó khăn, bất lợi. Hiện nay, đầu ra nông sản của nông dân rất khó, loay hoay điệp khúc “trúng mùa thì mất giá” hoặc “được giá thì mất mùa”, nên đầu ra triển vọng nhất là tham gia vào liên kết. Hơn nữa, trong ký kết lần này, DN còn quyết tâm góp phần xây dựng thương hiệu nếp Phú Tân quảng bá rộng rãi trên thị trường trong nước và trên thế giới. UBND huyện sẽ thực hiện đầy đủ nội dung bản ghi nhớ với Tập đoàn Lộc Trời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, ngành huyện thực hiện. Trước hết là vận động trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và đến nhân dân để có sự đồng thuận ủng hộ chủ trương này nhằm thực hiện hiệu quả.

MỸ HẠNH