Làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh được hình thành từ năm 1990, đến năm 2010 được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Từ đây, nhiều lao động trụ với nghề và có cuộc sống ổn định, sung túc hơn. Ban đầu, nghề bó chổi chỉ mang tính tự phát, từ nhu cầu sử dụng những vật dụng đơn giản, gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân vùng quê. Qua thời gian, bằng sự khéo léo và kinh nghiệm tích lũy, người dân Vĩnh Chánh dần cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, biến những chiếc chổi cọng dừa mộc mạc trở thành một mặt hàng có giá trị kinh tế.
Để làm ra một cây chổi cọng dừa chất lượng, người thợ ở Vĩnh Chánh phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, khéo léo. Từ việc chọn lựa những cọng dừa già, đều đặn, phơi khô dưới nắng gắt để đảm bảo độ bền và màu sắc đẹp mắt, đến công đoạn chẻ, vót cán tre, bó chổi, trang trí... tất cả đều đòi hỏi sự lành nghề. Với giá chổi dao động từ 17.000 - 25.000 đồng/cây chổi thường, 35.000 đồng/ cây chổi đặt, mỗi lao động có thu nhập từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Việc bó chổi cũng dễ học, dễ làm. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập cho nhiều gia đình, góp phần ổn định chung của địa phương.

Để làm ra chổi cọng dừa đẹp, bền, đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ
Ông Đinh Văn Lành (ngụ ấp Tây Bình A) cho biết: “Công việc làm chổi tuy dễ nhưng cũng mất khá nhiều thời gian. Để hoàn thành được một cây chổi đẹp, bền chắc, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là làm mái chổi, sau khi đã định hình mái chổi, người thợ lần lượt kết cọng dừa vào mái chổi, tiếp đó là công đoạn làm cán chổi, cuối cùng là danh chổi. Tất cả đều làm bằng thủ công, nên người thợ mất khá nhiều công sức, thời gian mới hoàn thành sản phẩm vừa bền, vừa đẹp”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại diện làng nghề cho biết, nhờ làng nghề làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, nên được nhiều mối lái ở các tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh… đặt hàng với số lượng lớn. Từ đó, đã tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và tạo thêm thu nhập cho người dân. Làng nghề hoạt động quanh năm, song, thời điểm cận Tết Nguyên đán thì đơn đặt hàng nhiều hơn, do nhu cầu sử dụng chổi cho việc quét dọn nhà cửa, cơ quan đón năm mới tăng hơn so với ngày thường. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch) là cao điểm của nghề làm chổi cọng dừa.
Người dân theo nghề nơi đây cho biết, cách vài ngày là có “mối” đến lấy hàng rồi chở đi phân phối các thị trường trong và ngoài tỉnh. Sự phát triển của làng nghề không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, nhất là những người lớn tuổi và phụ nữ. Hơn thế nữa, sự phát triển của làng nghề còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên không gian văn hóa đặc trưng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, làng nghề bó chổi cọng dừa Vĩnh Chánh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Sự xuất hiện của nhiều loại chổi công nghiệp với mẫu mã đa dạng và giá thành cạnh tranh hơn, đòi hỏi người dân Vĩnh Chánh phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Có như thế thì những chiếc chổi cọng dừa mộc mạc mới có thể tiếp tục đồng hành cùng cuộc sống hiện đại.
SONG MINH