Ngân hàng Thế giới đồng hành cùng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

12/12/2023 - 17:21

 - Ngày 12/12, tại ấp 12, xã Vị Trung (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến dự Lễ phát động thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Phát động thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại tỉnh Hậu Giang

Tham gia lễ phát động, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết, WB sẽ đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao. Trước mắt, tập trung hỗ trợ 180.000ha diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), nhằm giúp giảm đáng kể khí metan và khí thải carbon, giảm được 25% chi phí sản xuất, tăng 10% sản lượng và tăng thêm 30% lợi nhuận cho nông dân.

Trong khi đó, TS Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, IRRI nhiệt liệt hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã khởi động triển khai dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL tới năm 2030. Đây là dự án đầu tiên trên thế giới có quy mô lớn theo hướng này. IRRI sẽ đồng hành cùng Bộ NN&PTNT triển khai dự án nhằm giải quyết đồng thời 3 vấn đề lớn đang đặt ra đối với ngành lúa gạo thế giới và Việt Nam là tăng sản lượng lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Theo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát động, đề án được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long), chia thành 2 giai đoạn.

Ruộng trình diễn mẫu tham gia đề án

Trong đó, giai đoạn 1 (2024 - 2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000ha, bao gồm: Công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ carbon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu, bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000ha. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu, như: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng đề án trong giai đoạn 2024 - 2025.

Vùng sản xuất lúa tham gia đề án thực hiện giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững; 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bìa trái) và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm (giữa) tại Lễ phát động Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030

Để bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Tham gia đề án, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh An Giang đăng ký tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm năm 2030 với diện tích 152.985ha, phân kỳ thực hiện: Năm 2025 là 103.668ha, năm 2026 là 113.531ha, năm 2027 là 123.394ha, năm 2028 là 133.258ha, năm 2029 là 143.121ha, năm 2030 là 152.985ha.

NGÔ CHUẨN