Ngành hàng cá tra với nhiều kỳ vọng trong năm 2020

04/02/2020 - 03:47

 - Năm 2020 là năm doanh nghiệp lẫn nông dân nuôi cá tra trong tỉnh đặt ra nhiều kỳ vọng. Kỳ vọng bởi ngày 31-10-2019 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ; kỳ vọng bởi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực. Điểm đặc biệt quan trọng, đối với thị trường Trung Quốc, đến nay vẫn là thị trường quan trọng về nhập khẩu cá tra Việt Nam.

Nguyên liệu đến kỳ thu hoạch đã cạn dần

Thị trường rộng lớn

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Giống thủy sản xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu, An Giang) cho biết, năm 2020, ngư dân nuôi cá tra giống lẫn cá tra thịt trong tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng. Năm 2019, ở thị trường nội địa, do “cung nhiều hơn cầu”, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã phải tăng hết công suất chế biến để đảm đương khâu tiêu thụ cho ngư dân. Nay, sản lượng cá tra đến kỳ thu hoạch đã giảm mạnh, vì vậy tôi rất hy vọng quý I-2020, giá cá tra trên thị trường sẽ tăng trở lại; lượng hàng xuất khẩu sẽ tăng mạnh tại các thị trường trên thế giới.

Đồng tình với nhận định này, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc cùng các thị trường khác trên thế giới phân tích, năm 2020, cả 4 thị trường chính tiêu thụ cá tra (Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN) đều có tín hiệu lạc quan. Doanh nghiệp này phân tích, cá tra là loại cá thịt trắng, rất được ưa chuộng trên thế giới.

Đặc biệt, những năm gần đây, khi bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở Trung Quốc và một số quốc gia khác, người tiêu dùng đã chọn cá tra để thay thế. Ở Trung Quốc, có một giai đoạn, người tiêu dùng nơi đây xếp hàng mua cá tra. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa có hồi kết. Lượng cá rô phi của Trung Quốc vào Hoa Kỳ giảm mạnh, người Mỹ chọn cá tra để thay thế.

Vừa qua, Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Thông qua sự kiện này, danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ ngày càng dài thêm. Đây là cơ hội để cá tra Việt Nam tiếp tục chinh phục người tiêu dùng thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Nhìn lại thị trường, kim ngạch xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung trong 10 tháng đầu năm 2019 cho thấy, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông vẫn là thị trường lớn của cá tra Việt Nam. Chỉ 10 tháng của năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường này đạt 522 triệu USD, chiếm 32% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành; Mỹ đạt 233 triệu USD, chiếm 14%; EU đạt 204 triệu USD, chiếm 13%; ASEAN đạt 164 triệu USD, chiếm 10% …

Chất lượng nâng lên

Xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc từ xuất tiểu ngạch là chính chuyển sang xuất chính ngạch, điều này một lần nữa khẳng định, chất lượng sản phẩm đã được nâng lên đáng kể. Cùng với đó là sự tham gia mạnh mẽ của các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam vào các kênh thương mại điện tử ở Trung Quốc, nhất là kênh Alibaba, qua đó giúp cho cá tra Việt Nam có cơ hội đi sâu vào thị trường nội địa của Trung Quốc, đây là cơ hội để doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm giá trị gia tăng.

“Tiêu thụ cá tra trên đầu người ở Trung Quốc hiện còn thấp (0,14 kg/người/năm) so với 0,32 kg/người/năm ở thị trường Mỹ. Qua đó cho thấy, dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc còn rất lớn…” - ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt, phân tích.

Những năm gần đây, ngành hàng cá tra đã dành được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, ngày 30-11-2019 vừa qua, nhân chuyến công tác tại An Giang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm Vùng nuôi cá tra công nghệ cao Bình Phú của Tập đoàn Nam Việt.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội rất vui mừng trước quy mô sản xuất của Tập đoàn Nam Việt, đây là doanh nghiệp đi đầu, mạnh dạn đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm. Vùng nuôi 600ha cá tra của Nam Việt đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến của các nước phát triển, tạo ra sản phẩm tốt và giá thành thấp. Điều này có ý nghĩa rất lớn, nhất là trong bối cảnh ngành hàng cá tra Việt Nam buộc phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại với các nước trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh…

Những năm qua, bằng việc áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, nhiều doanh nghiệp lẫn ngư dân đã nuôi cá tra thành công ở mật độ cao, đây là một trong những “lợi thế so sánh” mà ngành hàng cá tra đã nắm giữ được.

Qua phân tích trên cho thấy, ngoài thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, thị trường EU nay đã được phục hồi, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực, sẽ là động lực để cá tra Việt Nam tăng mạnh sản lượng vào thị trường này. Như vậy, năm 2020 và những năm tiếp theo, doanh nghiệp và ngư dân nuôi cá tra trong tỉnh đặt nhiều kỳ vọng cho ngành hàng này là có cơ sở khoa học.

“Chúng ta có quyền đặt ra nhiều kỳ vọng cho việc tiêu thụ cá tra trong năm 2020. Song, đứng về phần mình, ngư dân cần lắng nghe những khuyến cáo từ ngành quản lý. Cụ thể, tổ chức nuôi trong quy hoạch, nuôi sản lượng vừa phải, có hợp đồng tiêu thụ. Cần đi vào con đường làm ăn hợp tác để có thông tin chính thống về thị trường, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, từ đó tổ chức sản xuất cho phù hợp với xu thế...” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Sĩ Lâm khuyến cáo.

MINH HIỂN