Vượt khó xây dựng NTM
Đặc thù là huyện vùng núi, biên giới, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nên Tri Tôn có xuất phát điểm thấp trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở tỉnh An Giang.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Tri Tôn có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 2 xã NTM nâng cao. Dự kiến, đến năm 2025, Tri Tôn có thêm 1 xã NTM và 3 xã NTM nâng cao. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Tri Tôn đã thống nhất chủ trương đăng ký xã Lương An Trà đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
“Bước đầu khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Tri Tôn gặp khó khăn do có xuất phát điểm thấp. Nhờ sự quyết tâm của hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của người dân nên việc thực hiện xây dựng NTM ở Tri Tôn từng bước đạt kết quả đáng khích lệ. Phấn đấu đến năm 2025, Tri Tôn sẽ rút khỏi nhóm 74 huyện nghèo của cả nước và hoàn thành NTM đối với 2 xã An Tức và Ô Lâm trong giai đoạn 2028-2030, để trở thành huyện NTM”- ông Nguyễn Văn Văn chia sẻ.
Nhiều xã thuộc vùng nông thôn trên địa bàn huyện Tri Tôn ngày càng khởi sắc với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và trở thành những vùng quê đáng sống
Ông Võ Thanh Nhàn ở ấp Vĩnh Quới, xã Lạc Quới (huyện Tri Tôn) phấn khởi, trước năm 2012, khi Lạc Quới chưa bắt tay vào xây dựng NTM cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn về mọi mặt. Trong đó, cơ sở hạ tầng về giao thông luôn trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có khoảng 70% hộ dân được sử dụng nước sạch và điện lưới quốc gia. Trong khi đó, hệ thống trạm y tế, trường học tạm ổn để phục vụ nhu cầu tối thiểu về khám chữa bệnh và học tập của người dân.
“Hiện, không chỉ Lạc Quới, mà hầu hết bộ mặt nông thôn ở các xã trong ở huyện Tri Tôn đều khởi sắc. Những tuyến đường đất đá lầy lội ngày nào đã được nâng cấp mở rộng, việc đi lại, cũng như vận chuyển hàng hoá, nông sản được thuận tiện hơn. Con em trong xã được học trong những ngôi trường kiên cố hoặc đạt chuẩn quốc gia ngày càng nhiều. Bà con đều có ý thức trồng hoa tạo mỹ quan dọc theo các tuyến đường trước nhà mình. Những cánh đồng lúa 3 vụ ăn chắc được địa phương quan tâm đầu tư nên đời sống, thu nhập của người dân khấm khá hơn”- ông Nhàn bộc bạch.
Điểm sáng vệ sinh môi trường
Theo đánh giá của ngành chức năng, dù Lạc Quới mới được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023, nhưng là điểm sáng trong việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về vệ sinh môi trường của huyện Tri Tôn. Đây cũng là địa phương có 3 dòng kênh T4, T5 và T6 đi qua và mang dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Do đó, Huyện uỷ, UBND huyện Tri Tôn luôn có những chỉ đạo sâu sát quá trình thực hiện bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM của xã, góp phần đảm bảo không gian xanh, môi trường sống của người dân ngày càng tốt hơn.
Lạc Qưới đang là điểm sáng về công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Tri Tôn
Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Quới Trần Văn Niên cho biết, sau thời gian tích cực vận động tuyên truyền, người dân không còn bỡ ngỡ và đồng lòng, chung sức cùng địa phương xây dựng NTM, với nhiều kết quả phấn khởi, nhất là trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Địa phương đã cấp túi lưới cho bà con phân loại rác thải tại nguồn, rác thải tái chế và được đánh giá đạt yêu cầu.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và nâng chất đối với các chỉ tiêu, tiêu chí đạt được với nhiều giải pháp thiết thực mang tính bền vững. Đồng thời, mở rộng tuyến thu gom rác thải sinh hoạt và phân loại rác tại nguồn đảm bảo công tác vệ sinh môi trường đạt hiệu quả cao hơn nữa. Chúng tôi sẽ vận động người dân và doanh nghiệp đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời đối với một số tuyến đường còn thiếu, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn thêm sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn”- ông Trần Văn Niên chia sẻ và mong muốn ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ địa trong việc thu gom, xử lý đối với loại rác thải nguy hại là các loại chai, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian tới.
Chung tay bảo vệ môi trường
Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị Tri Tôn Trần Hữu Trung cho biết, do mở rộng một số tuyến đường thu gom rác đối với các xã đang xây dựng NTM hoặc NTM nâng cao nên lượng rác phát sinh trên toàn huyện khoảng 3 tấn/ngày, nâng tổng lượng rác lên khoảng hơn 44 tấn/ngày.
Hiện, xí nghiệp đang tập trung nguồn nhân lực và phương tiện để thu gom ở 15 xã, thị trấn với quyết tâm không để ùn ứ rác qua ngày. Riêng, đối với những tuyến đường nhỏ, cầu hẹp thì xí nghiệp cho xe loại 500 kg hoặc xe lôi kéo thùng đi thu gom rồi tập kết ra đường lớn để xe chuyên dụng đến vận chuyển đưa đi xử lý. Ngoài ra, xí nghiệp còn thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với địa phương trong việc thu gom rác không tính phí vào các dịp lễ, Tết hoặc các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn huyện.
|
Bài và ảnh: THÚY VÂN