Ngành ngân hàng đóng góp trước kỳ họp Quốc hội

24/10/2024 - 06:43

 - Trước khi kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra, ngành ngân hàng tỉnh An Giang đã chia sẻ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đóng góp ý kiến vào dự thảo luật lĩnh vực tài chính, nhằm đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.

Nguồn vốn dồi dào

An Giang hiện có 63 tổ chức tín dụng và Tổ chức Tài chính vi mô CEP chi nhánh TP. Long Xuyên. Mạng lưới ngân hàng tiếp tục mở rộng, tại vùng nông thôn xa đều có điểm giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nhanh dịch vụ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, để thúc đẩy tín dụng, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân tiếp cận vốn.

Theo ông Trần Minh Chánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang, đơn vị đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho tất cả ngân hàng là 15%. Ngành ngân hàng đảm bảo thanh khoản, thậm chí là dư giả. Với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN đã sử dụng các công cụ chính sách hỗ trợ DN tiếp cận vốn nhanh chóng, hướng tới mục tiêu dài hạn là phát triển nền kinh tế.

“Tổ chức tín dụng rất quan tâm chia sẻ, đồng hành với khách hàng vay, tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ nhằm giúp người dân và DN khôi phục, phát triển sản xuất - kinh doanh. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đối với 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh có tỷ lệ tăng trưởng cao (cho vay lúa, gạo tăng 11,7%; thủy sản tăng 7,8%). Tuy nhiên, dù nguồn vốn dồi dào, lãi suất đặc biệt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác từ NHNN, song DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn. DN phải thu hẹp sản xuất, giảm quy mô kinh doanh vì tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chậm, dẫn đến nhu cầu vay ngân hàng cũng giảm theo” - ông Trần Minh Chánh chia sẻ.

Đề xuất gỡ khó về địa bàn hoạt động

Một vấn đề mà nhiều quỹ tín dụng nhân dân (QTD) cả nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng đặc biệt quan tâm, đó là quy định tại Điều 47, Thông tư 21/2019/TT-NHNN về chuyển tiếp địa bàn hoạt động: “Kể từ ngày 1/1/2020 đến 1/1/2023 (tối đa 36 tháng) các QTD phải chấm dứt hoạt động tại các xã, phường, thị trấn không liền kề nơi đặt trụ sở chính…”. Quy định này không chỉ dẫn đến bó hẹp chức năng, quyền hạn, giảm tính tự chủ và sự cạnh tranh lành mạnh của QTD với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn, mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho đơn vị trong quá trình hoạt động. Nhiều QTD có lịch sử hình thành và phát triển hàng chục năm, nếu chấm dứt hoạt động ở xã, phường, thị trấn không phải là nơi đặt trụ sở, đẩy đơn vị vào tình cảnh lao đao, mất hàng loạt đối tác, khách hàng thân thiết, gắn bó.

Ông Đặng Hoàng Ngọ, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh tỉnh bày tỏ: “Giai đoạn 2022 - 2023, toàn hệ thống trên địa bàn có dư nợ 5.000 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, chỉ còn khoảng 3.000 tỷ đồng, tức là giảm hơn 2.000 tỷ đồng. Chúng tôi gặp khó khăn chủ yếu về cơ chế, khi thu hẹp địa bàn hoạt động. Chủ trương này nhằm củng cố lại hoạt động của QTD để tránh sai phạm, rủi ro, nhưng lại quá chặt chẽ, ảnh hưởng lớn đến tất cả đơn vị đang kinh doanh. Năm 2024, có 24 đơn vị thừa vốn đến 800 tỷ đồng, chưa phát huy hết hiệu quả nguồn vốn. Rất mong sớm được tháo gỡ vướng mắc này, xem xét lại chủ trương chung”.

Cân nhắc thay đổi thuế

Ông Trần Trọng Triết (NHNN chi nhánh tỉnh) nhận thấy trong nửa đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78%, đóng vai trò lớn nhất (64,2%) trong tăng trưởng GDP. Chính sách luôn tập trung vào kích cầu sản xuất bằng cách giãn/miễn giảm thuế, phí bao gồm thuế gián thu (VAT, tiền thuê đất) và thuế trực thu (thuế thu nhập DN). Điều này tuy cần thiết, nhưng lại chỉ giúp DN đẩy lùi thời điểm khó khăn sang tương lai. Kích cầu tiêu dùng chưa được chú ý đúng mức, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu, nên cần bổ sung kích cầu tiêu dùng bằng cách sớm sửa đổi thuế thu nhập cá nhân.

“Tôi đồng thuận với Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi theo hướng giảm mức thuế lũy tiến cao nhất, tăng mức khấu trừ gia cảnh, giãn khoảng cách giữa các bậc thuế và thời gian xem xét điều chỉnh mức thuế. Mục đích là để tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân thực nộp trên tổng thu nhập không vượt quá 15 - 20%, tức là ngang với mức thuế thu nhập DN hiện hành. Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đưa ra thay đổi thuế suất đối với hàng hóa, dịch vụ. Việc cân nhắc khả năng tăng đồng loạt thuế suất VAT chỉ phù hợp khi điều chỉnh giảm thuế thu nhập DN” - ông Triết phân tích.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết, những ý kiến, băn khoăn của ngành ngân hàng sẽ được ghi nhận, làm cơ sở cho đơn vị tham gia đóng góp ý kiến tại các phiên thảo luận dự thảo luật; góp phần tháo gỡ vướng mắc cho ngành trong quá trình hoạt động, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm hàng năm trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Trung ương, địa phương; tập trung đầu tư tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế được tiếp cận vốn vay, góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Cùng với đó, triển khai giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng công tác thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” - ông Trần Minh Chánh thông tin thêm.

GIA KHÁNH