Ngành ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp, góp phần hạn chế “tín dụng đen”

16/01/2019 - 07:41

Trước thực trạng “tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho người dân (có nhu cầu vay vốn), mới đây, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen”.

Thực trạng

Gia đình chị V.T.L (phường Long Hưng, TX. Tân Châu) sống bằng nghề làm thuê, mướn. Năm 2017, mẹ chị lâm bệnh nặng, nhà không có tiền chữa trị, chị L. buộc phải đi “hỏi nợ” 2 triệu đồng để đưa mẹ đi trị bệnh và bắt đầu từ đây, chị lâm vào cảnh khó khăn cùng cực vì phải đối phó với nhóm người đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. “Hoàn cảnh quá khổ nên buộc phải đi vay nợ. Em vay 2 triệu đồng, mỗi ngày đóng lãi 10.000 đồng. Khi mẹ bệnh, cả gia đình phải lo đi nuôi mẹ, đâu có đi làm mướn mà có tiền trả nợ. Vậy mà họ không thông cảm, điện thoại chửi mắng, đe dọa, buộc phải viết giấy vay tiền, trong đó phải ghi nợ gốc và lãi, thật đau lòng” - chị V.T.L nói trong nước mắt. “Tín dụng đen” thường nhắm đến các cá nhân không có nghề nghiệp ổn định, ít có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng… “Tín dụng đen” thường tiếp cận các đối tượng có nhu cầu để phát tờ rơi (thường là những người thiếu thông tin). Người có nhu cầu vay vốn để điều trị bệnh hoặc giải quyết việc đột xuất của gia đình. Đặc điểm của loại hình này là thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh, do đó thu hút người có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tiếp cận được với các tổ chức tín dụng chính thức” - Phó Chánh thanh tra (Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) Phạm Huyền Anh thông tin.

Giải pháp

Mới đây, tại hội nghị triển khai Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế “tín dụng đen”, một trong những giải pháp quan trọng được ngành ngân hàng đưa ra là tiếp tục “bơm” vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua việc tăng mức cho vay không có tài sản đảm bảo, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân (nhất là vùng sâu, vùng xa), đồng thời góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất - kinh doanh nhưng không có tài sản đảm bảo, phải tìm đến các nguồn vốn khác như “tín dụng đen”. “Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ban hành lần này, quy định nâng mức cho vay tối đa đối với trường hợp không có tài sản đảm bảo của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn, có sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn, được nâng mức cho vay từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Điều này cho thấy sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong hỗ trợ người dân tiếp cận được với nguồn tín dụng chính thức” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa thông tin.

Ngành ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp, góp phần hạn chế “tín dụng đen”

Hộ dân làm nông nghiệp rất phấn khởi khi hạn mức cho vay phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được nâng lên

Cũng theo ông Nghĩa, ngoài nâng hạn mức cho vay, ngành ngân hàng còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng. Mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen” hiện nay. Mục đích là để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân. Ngân hàng sẽ dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay “tín dụng đen”…

Với những giải pháp trên, hy vọng người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ, dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, hạn chế việc tìm đến “tín dụng đen” để không phải hứng chịu các hệ lụy do “tín dụng đen” gây ra.

“Tín dụng đen” hay còn gọi là tín dụng không chính thức đã tồn tại và phát triển trong nhiều năm nay, đây thực chất là một hình thức cho vay nặng lãi, với lãi suất “khủng”. “Tín dụng đen” được thực hiện chủ yếu bởi một cá nhân, nhóm cá nhân mà ở đó việc kiểm soát của pháp luật chưa đến nơi đến chốn. “Tín dụng đen” làm nảy sinh lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, thậm chí cả những công ty chuyên thu nợ được thành lập hợp pháp cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Hành vi đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen” đã gây bất ổn an ninh trật tự và an toàn xã hội.

“4 năm gần đây, toàn quốc đã có 7.624 vụ án liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… Trong đó 170 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, vỡ nợ dây chuyền, 124 băng nhóm, với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức trên lĩnh vực cho vay nặng lãi…” - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) Phạm Văn Tám thông tin.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích