Ngành nông nghiệp An Giang tập trung nhiệm vụ cuối năm

08/12/2022 - 07:05

 - Năm 2022, ngành nông nghiệp An Giang phấn đấu vượt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, với mức tăng trưởng khoảng 2,8% - mức cao nhất trong 10 năm qua. Toàn ngành đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trong tháng cuối cùng của năm, tạo đà “tăng tốc” năm 2023.

Kết quả ấn tượng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, suốt 10 năm qua, mục tiêu tăng trưởng 2,7% là “mơ ước” của ngành nông nghiệp. Riêng năm 2022, khả năng ngành nông nghiệp đạt tăng trưởng 2,8%, vượt kịch bản đề ra (2,7%) và là một kết quả rất đáng tự hào. Nỗ lực của ngành nông nghiệp An Giang đang đóng góp vào thành tích xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt mốc 50 tỷ USD của Việt Nam năm 2022 - mức kỷ lục mới, sau kỷ lục xuất khẩu 48 tỷ USD năm 2021.

 Nhằm đảm bảo kết quả tăng trưởng năm 2022 và tạo đà cho kỷ lục tăng trưởng mới năm 2023 (tăng trưởng từ 3,2-3,5%), ngành nông nghiệp An Giang đang tập trung theo dõi, hỗ trợ xuống giống vụ đông xuân 2022-2023 theo đúng kế hoạch; theo dõi, dự báo tình hình dịch hại trên lúa, rau màu và cây ăn trái.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các địa phương tăng cường kết nối thông tin doanh nghiệp, thực hiện liên kết tiêu thụ lúa, nếp, rau màu và cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Các ngành chức năng triển khai công tác thanh, kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật…

Đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản

Đối với ngành chăn nuôi và thú y, tăng cường tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi, trong đó tập trung tiêm phòng vaccine cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh dại trên chó và viêm da nổi cục trên trâu, bò. Ngành tiếp tục giám sát tình hình dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm, chú ý các bệnh: Cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh, bệnh dại trên chó và viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tiếp tục thực hiện kiểm tra hoạt động về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ động vật; phương tiện vận chuyển động vật; chợ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật...

Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố tuyến biên giới tăng cường phối hợp kiểm tra tình hình dịch bệnh và kết hợp nắm thông tin tình hình nhập lậu động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới...

Đối với ngành thủy sản, tiếp tục theo dõi tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy sản trên các tuyến sông, kênh, rạch thuộc địa bàn tỉnh An Giang…

Bảo vệ sản xuất

Đối với Chi cục Thủy lợi An Giang, thực hiện kế hoạch duy tu và bảo dưỡng đê điều; tổ chức kiểm kê và kiểm soát công tác quản lý nhà cửa, lều trại, mái che và cây trồng trong phạm vi bảo vệ công trình đê cấp III; theo dõi, cập nhật báo cáo tình hình thiệt hại do mưa, giông, lốc, sạt lở…

Đồng thời, theo dõi thực hiện hợp đồng đặt hàng quản lý, vận hành và khai thác các công trình thủy lợi cấp tỉnh quản lý năm 2022; góp ý kế hoạch đặt hàng quản lý, vận hành và khai thác các công trình thủy lợi cấp tỉnh quản lý năm 2023.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 74/116 xã; trong đó có thêm 2 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 29 xã.

Sở NN&PTNT sẽ tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025) trình HĐND tỉnh; theo dõi việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tham mưu triển khai thực hiện trên địa bàn An Giang.

Sở NN&PTNT An Giang phối hợp tổ chức lớp tập huấn kỹ năng quản lý, điều hành hợp tác xã gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi cho các giám đốc hợp tác xã, do giảng viên Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (TP. Hồ Chí Minh) giảng dạy. Phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch giai đoạn 2022-2025 về thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đối với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện vận hành quản lý, khai thác 31 hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn, lắp mới đồng hồ nước cho hộ dân. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các hệ thống cấp nước về chất lượng nước, bảo dưỡng định kỳ; thực hiện đầu tư, duy tu, sửa chữa, mở rộng các tuyến ống chuyển tải, tuyến ống phân phối các công trình cấp nước được phê duyệt…

Thời điểm cuối năm và cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng, các doanh nghiệp, cơ sở tăng năng lực sản xuất. Nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Thanh tra Sở NN&PTNT tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến an toàn thực phẩm, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất - kinh doanh sản phẩm thủy sản; tăng cường kiểm tra, xử nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. 

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích