Ngành y tế phải cập nhật về thuốc điều trị, công nghệ vaccine

16/04/2022 - 18:39

Trong tuần qua, thông tin về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; F1 không còn phải cách ly; cấp hộ chiếu vaccine là những thông tin đáng lưu ý.


Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, tỷ lệ mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong trên cả nước đều giảm, các hoạt động kinh tế-xã hội, văn hóa, du lịch đang từng bước trở lại bình thường mới.

Trong tuần qua, thông tin về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; F1 không còn phải cách ly; cấp hộ chiếu vaccine là những thông tin đáng lưu ý.

F1 không còn phải cách ly

Ngày 15/4, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1).

Trong hướng dẫn mới nhất này F1 không còn phải cách ly. Hướng dẫn mới này thay thế các hướng dẫn tại Công văn 11042 ngày 29/12/2021 và công văn 762 của Bộ Y tế về các nội dung liên quan đến điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần.

Tại cuộc gặp mặt cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình phòng chống dịch trong bối cảnh mới vào ngày 13/4, Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề cập đến 2 kịch bản phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Kịch bản thứ nhất, biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm.

Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn. Với kịch bản này, nước ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường.

Kịch bản thứ 2, đến nay hiểu biết về SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra.

Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng.

Với kịch bản thứ hai này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân: Mặc dù thời điểm này, Việt Nam đã có nhiều "vũ khí" như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch, nhưng ngành y tế phải thường xuyên cập nhật hơn nữa, kể cả về thuốc điều trị và đặc biệt là công nghệ vaccine.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến chiều 15/4, Việt Nam đã tiêm hơn 209 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 là 51,8%. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,7%.

Bắt đầu tiêm vaccine phòng COVD-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi

Lễ phát động Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVD-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi do Bộ Y tế phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức sáng 14/4; gần 200 học sinh khối lớp 6 của Trường Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là những trẻ đầu tiên của Việt Nam tiêm vaccine phòng COVID-19 trong độ tuổi này.

Sau Quảng Ninh, sáng 16/4, Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, với khoảng 30.000 học sinh lớp 6 sẽ được tiêm tại 109 điểm tiêm.

[Nganh y te phai cap nhat ve thuoc dieu tri, cong nghe vaccine hinh anh 2] Nhân viên y tế tiêm accine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 6 tại điểm tiêm chủng trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày khởi động, Thành phố sẽ tiêm cho học sinh lớp 6 dưới 12 tuổi, chủ yếu là vận hành quy trình, công tác chuẩn bị từ trước đến nay. Từ đó, ngành y tế sẽ rút kinh nghiệm và thực hiện công tác tiêm chủng được tốt hơn.

Theo đúng kế hoạch, Thành phố sẽ tổ chức tiêm đồng loạt từ ngày 18/4 cho học sinh theo lứa tuổi từ cao xuống thấp.

Thành phố Hà Nội dự kiến bắt đầu tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 từ ngày 17/4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam đạt cao và đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng khác gồm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong năm 2022.

Thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, theo thống kê, hiện nay, toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, trong số đó có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ được ngành y tế thực hiện từ nay cho đến cuối quý 2/2022.

Trước đó, ngày 14/4, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có quyết định phân bổ 921.600 liều vaccine COVID-19 của Moderna để ưu tiên tiêm cho trẻ 11 tuổi (lớp 6) trên cả nước. Số vaccine Moderna (tính theo liều 0,25ml) này do Chính phủ Australia viện trợ.

Theo quyết định phân bổ, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương được phân bổ số lượng lớn nhất với lần lượt 87.500 và 72.700 liều. Các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai được phân bổ từ 31.000 tới 35.700 liều. Địa phương nhận số liều thấp nhất là Bắc Kạn (3.300 liều).

Từ ngày 15/4, theo kế hoạch Bộ Y tế  thực hiện ký xác nhận tập trung cấp hộ chiếu vaccine cho người dân đã tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Trước đó, từ ngày 8/4, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương, các cơ sở tiêm chủng trên cả nước thực hiện xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số.

Thông tin từ Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có gần 500.000 người Việt Nam đã được ký xác nhận thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 điện tử- hộ chiếu vaccine.

"Hộ chiếu vaccine" điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức y tế thế giới và Liên minh Châu Âu ban hành hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

"Thời hạn của "Hộ chiếu vaccine" điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Bộ Y tế cho biết, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng sẽ được cấp hộ chiếu vaccine như đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khác.

Hộ chiếu vaccine điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế./.

Theo PV (TTXVN/Vietnam+)