Hồ Minh Hoàng (sinh năm 1987) là con trai út của ông S. và người vợ trước. Ông S. cho biết: “Hoàng mang bản tính lười biếng, không chịu học hành, không thích lao động. “Ráng” dữ lắm, nó mới học được đến lớp 8, rồi lêu lổng. Người vợ trước có tật “táy máy tay chân”, thường xuyên trộm cắp tài sản, tôi quyết định chia tay. Không ngờ, Hoàng bị “di truyền” bản tính trên. Tôi cho nó tiền đi học nghề lái xe, mà nó chẳng chịu đi kiếm việc làm. Khi nó lấy vợ, ở rể, tưởng sẽ chí thú làm ăn. Ai dè, nó vẫn “chứng nào tật nấy”, để ý rình mò nhà người thân nào sơ hở thì trộm tài sản. Tôi khuyên nhủ, răn đe nhưng nó không nghe”.
Dù vậy, ông vẫn cho phép Hoàng tới lui nhà mình. Ông đâu ngờ rằng, những lần tới chơi, thay vì hỏi thăm tình hình sức khỏe của cả nhà, Hoàng chỉ để tâm vào… két sắt của ông. Ngày 27-6-2016, ông S. chở người vợ sau đi xã Ô Lâm (Tri Tôn) thăm trại nuôi bò. Khoảng 15 giờ 30 phút, ông thấy Hoàng điện thoại, hỏi: “Ba đang ở đâu? Tìm mua trái thốt nốt dùm con, con đem bán lại”. Ông đinh ninh ở nhà có người trông giữ, chắc sẽ không xảy ra chuyện gì. Mấy tiếng đồng hồ sau, ông trở về, thấy Hoàng chạy ngang mặt mình, chở một vật hình vuông khá to, phủ kín bằng tấm vải bông. Nhìn thấy cửa rào mở, két sắt trong phòng ngủ “không cánh mà bay”, ông S. tá hỏa. Trong két sắt, có 15 lượng vàng thẻ SJC, nhiều nữ trang bằng vàng 9999, 67 triệu đồng tiền mặt và ngoại tệ. Bán tín bán nghi, ông nghe hàng xóm cho biết: “Tui mới thấy thằng Hoàng chở két sắt của ông đi từ nhà ra đường đó”. Vậy là ông khẳng định luôn: thằng con “trời đánh” là thủ phạm? Ông lấy xe rượt theo, không phát hiện Hoàng ở đâu. Gọi điện thoại thì Hoàng một mực chối tội, rồi…tắt máy. Tiếp tục tìm, tài sản lẫn đứa con trai đều mất dạng, ông đành trình báo công an.
Ngày 19-5-2017, Hoàng bị bắt. Quá trình điều tra, anh ta khai nhận: hôm phạm tội, anh ta đi mua cây búa tạ, rồi điều khiển xe môtô đến gần nhà ông S. chờ ở một góc đường. Thấy vợ chồng ông S. ra khỏi nhà, “thời cơ” đã đến, anh ta vội gọi điện thoại nhờ người em vợ đến dốc Tà Pạ (cách nhà ông S. khoảng 600m) xem chừng khi nào ông S. quay về thì cho anh ta hay. Lúc này, Hoàng mới chạy xe đến nhà ông S. gặp H.N.H (sinh năm 2002, em cùng cha khác mẹ với Hoàng) đang ngồi xem tivi. Hoàng điện thoại thăm dò cha mình, rồi giả vờ ngồi chơi. Đợi H. ngủ, Hoàng lẻn vào phòng ngủ của ông S. ôm két sắt ra ngoài, lấy ga giường trùm lại. Chở két sắt đến bãi đất trống thuộc ấp An Lương, xã Lương Phi (Tri Tôn), Hoàng dùng búa tạ đập vỡ, lấy tiền, vàng, ngoại tệ gom đi, bỏ lại két sắt và giấy tờ lại hiện trường. Kể từ lúc đó, anh ta lẩn trốn nhiều nơi, mua nhà, đất ở TX. Bến Cát (Bình Dương), mua xe môtô đã qua sử dụng, điện thoại di động, máy tính bảng… còn bao nhiêu thì tiêu xài cá nhân. Theo định giá, tổng tài sản anh ta trộm được trên 630 triệu đồng.
Đáng nói hơn, Hoàng phạm tội đã đành, vợ anh ta không khuyên can chồng. Ngày 2-9-2016, nhận điện thoại của Hoàng, Đoàn Thị Cẩm Loan (sinh năm 1982, vợ Hoàng) dẫn con đến nơi Hoàng đang lẩn trốn. Nghe chồng kể việc trộm két sắt của cha, chị ta quyết định “tòng phu” theo chồng lẩn trốn nhiều nơi, sau đó sinh sống tại căn hộ mới mua ở TX. Bến Cát. Hoàng bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản”, còn Loan bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm”.
Hôm phiên tòa diễn ra, ông S. vừa đóng vai bị hại, vừa là người thân của 2 bị cáo. Ông giận họ đến mức không muốn nói chuyện, dù có một ít thời gian phiên tòa tạm nghỉ, chờ nghị án. “Phải chi tôi không cho nó cơ hội sửa sai! Tôi gọi điện thoại, kêu nó về, trả tiền lại, tôi “xí xóa” hết. Ai dè, nó chặn số điện thoại của tôi, chỉ cho vợ con nó liên lạc được thôi. Số tiền kia tụi nó chia xài hết rồi, còn gì mà thu hồi. Tôi xin nhận lại căn nhà và chiếc xe tụi nó mua bằng tiền trộm được của tôi. Tòa xử tụi nó bao nhiêu năm, tôi không xin giảm án. Thà để pháp luật dạy dỗ con tôi thật nghiêm khắc, chứ nếu không, nó gây tội tày trời khác thì còn nguy hiểm hơn” - ông S. giãi bày. Trong lời nói của ông, ngoài sự giận dữ, còn chất chứa cả nỗi xót xa, bất lực về đứa con “nghịch tử”, mà ông chẳng thể nào răn dạy thành người lương thiện.
Mức án 10 năm tù của Hoàng và 1 năm tù của Loan sẽ giúp họ đủ thời gian nghiền ngẫm hành vi sai trái của mình. Để rồi, khi mãn hạn tù trở về, quyết tâm làm lại từ đầu. Trong đó, chữ hiếu và thiện lương phải được đặt lên hàng đầu. Chắc chắn, cha mẹ vẫn mở rộng vòng tay, tha thứ mọi lỗi lầm của họ, bởi nước mắt chảy xuôi, chứ đâu chảy ngược bao giờ.
KHÁNH HƯNG