Người trồng mai trên đất cù lao

10/02/2021 - 00:00

 - Yêu mai, xem mai như những đứa con tinh thần quý giá. Đó là những xúc cảm luôn hiện hữu trong tâm trí của “lão nông” Phan Phước Niềm (chú Tư Niềm, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thủy, Châu Phú, An Giang). Chú hiện không chỉ sở hữu hàng ngàn gốc mai lớn, nhỏ mà còn sưu tầm những gốc mai với dáng thế độc, lạ.

Chú Tư chăm sóc mai chuẩn bị bán chợ Tết.

Len lỏi vào cả “cánh rừng mai” nhà chú, chúng tôi được tận mắt mục sở thị gốc mai khá hiếm. Đó là mai hương, mai đã về “đội của chú” hơn 2 năm, từ một chuyến sưu tầm tận miền Trung. Với bàn tay chăm bón có kỹ thuật cùng với một tình yêu đặc biệt với mai của chú Tư, cây mai hương đã sinh trưởng tốt và cho ra một dáng thế đẹp, lạ. Hiện tại, cây có tàn rộng 4 mét, gốc cây có đường kính tầm 9 tấc hoành. Điều đặc biệt ở mai hương chính là dáng nhẹ nhàng, thanh tao, có 5 đọt, trong đó có 1 đọt chủ. Điều này tượng trưng cho ngũ phúc, niềm mong ước về phước, lộc, thọ, an, khang mà gia đình nào cũng hướng đến.

Ngoài mai hương chú Tư còn sở hữu một số loại mai giảo, cũng với dáng mai thiên nhiên (không qua uốn nắn, tạo hình), bông mai có nhiều cánh (7,8,9,10) cánh trở lên. Gốc mai ngày càng lớn tự sinh ra dáng lạ như thể hình của một chú bò sát, có đủ cả mắt, mũi, 2 chân trước, 2 chân sau, dĩ nhiên cũng cần phải có thêm chút tưởng tượng của người xem.

Theo chú Tư, thông thường người chơi mai có thể đánh giá được vẻ đẹp, nét đặc biệt của mai, nhưng khi mua về không biết cách chăm sóc, lúc nào cần cho mai sinh trưởng tự nhiên, lúc nào cần phải tạo thêm dáng là cả một nghệ thuật, niềm đam mê và sự kiên trì.

Gốc mai lạ, với dáng hình giống bò sát.

Là người nhiều năm trong nghề mai, đi bôn ba khắp nơi tìm kiếm nhiều loại mai khác nhau, đem về chăm sóc, thuần dưỡng, rồi mỗi khi đến dịp giáp Tết lại chở đến các chợ ở Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên bán Tết, chú Tư hiểu đặc tính sinh trưởng, “tính cách” của từng loại mai nên chú đi đến ý tưởng trồng mai giống.

“Đi tìm mua mai ở nhiều nơi như: Bến Tre, Phú Yên, Bình Định, tôi thấy không chỉ có một vài gia đình mà là cả làng sống bằng nghề trồng mai giống. Bởi đây là loại hoa đặc trưng khó có loại nào thay thế trong trong không gian Tết của người Nam Bộ nên nhu cầu chơi hoa, chưng hoa ngày Tết luôn hiện hữu”. Chú Tư chia sẻ.

Chú Tư đã chuyển đổi từ 6,3 công đất lúa sang trồng 5.000 cây mai giống, thời gian sinh trưởng đã được 7 tháng. Trung bình mỗi công 1.000m2, chú Tư có thể trồng 700 gốc cúc mai, sau 5 năm gieo trồng, chăm sóc,  vào chậu uốn nắn rễ, nuôi cây, chú bắt đầu bán buôn cho thương lái và mang về lợi nhuận. Để chắc thắng, theo chú- điều quan trọng nhất là phần ươm giống, tạo dáng rễ cho mai ngay từ nhỏ, vì “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ lá”.

Bên cạnh đó, chú Tư luôn chú trọng chế độ dinh dưỡng cho mai, gia giảm lượng nước tưới và phân bón sinh học để cây mai phát triển hài hòa. Chú nói: “Cây cũng như người cũng cần ăn uống, tắm nắng, vui đùa, cũng cần sự yêu thương, nhẹ nhàng thì mới có thể sinh trưởng tốt. Do vậy, làm nghề trồng mai, ngoài mong muốn có những tác phẩm nghệ thuật hay còn mang về nguồn lợi kinh tế gia đình”.

Tạo dáng mai là cả một quá trình công phu.

Từ lợi nhuận kinh tế và đầu ra ổn định của cây mai giống, chú Tư sẽ mở rộng thêm hơn 7 công đất mai, đồng thời khuyến khích các anh em trong câu lạc bộ mai kiểng xã Bình Thủy cùng tham gia. “Từ lâu tôi mong ước có một ngôi làng chuyên trồng, kinh doanh, phân phối hoa mai như một số địa phương khác.

Chính cách thức làm ăn tập thể sẽ giúp các gia đình có điều kiện đáp ứng các đơn hàng hàng nhằm tiêu thụ ổn định hơn. Bà con cũng không quá vất vả khi phải chuyên chở hoa mai đến các chợ lớn ở nhiều tỉnh để bán Tết. Từ đó, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm ổn định cho người dân thôn quê”.

Nhìn màu vàng của hoa mai, màu trắng của hoa nguyệt quế, hồng đỏ dịu dàng của chậu hoa trang, tôi biết rằng mùa xuân đang đến thật gần. Một mùa xuân ngập tràn sắc màu và hương thơm của muôn ngàn cỏ cây, hoa lá, nơi đó có sự góp sức, vun bồi của những người nông dân chân chất.

Bài, ảnh: TRÚC PHA