Trao “cần câu” và đồng hành với hộ nghèo trong quá trình vươn lên, địa phương còn hỗ trợ để người dân được tập huấn về kinh nghiệm phát triển sản xuất, vận dụng để tạo việc làm, tăng thu nhập. Điển hình, năm 2020, ông Cao Thành Được (xã Phú Long, huyện Phú Tân) là một trong số hộ nghèo được hỗ trợ 5 triệu đồng bằng máy phun xịt.
Ông Được cho biết, cuộc sống gia đình lâu nay chỉ lẩn quẩn trong khó khăn, trước đó ông đã làm thuê bằng nghề phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, nhưng thiếu vốn để đầu tư thiết bị công nghệ. Ngoài ra, ông làm thuê thêm đủ việc, vợ ông bán trái cây để góp thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
Từ khi được hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, ông Được nỗ lực vượt khó làm ăn. Thấy tinh thần chí thú của ông, người dân liên tục giới thiệu các “mối” mới để ông có việc làm liên tục. Chỉ tính riêng dịch vụ phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, mỗi ngày ông Được có thu nhập từ 200.000-250.000 đồng. Sau 1 năm, hộ của ông Được đủ điều kiện thoát nghèo. Tuy nhiên, xét theo các tiêu chí mới hiện nay, gia đình phải phấn đấu thêm. Không nản chí, ông Được cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực để vươn lên làm ăn tốt hơn.
Trao vốn cụ thể bằng máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho hộ nghèo, cận nghèo xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú)
Theo kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2022, toàn tỉnh có 5 huyện được hỗ trợ nhân rộng mô hình giảm nghèo, gồm các huyện: An Phú, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Thành. Tổng kinh phí thực hiện 833 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung cho ngân sách tỉnh, với 5 mô hình giảm nghèo, mỗi mô hình được hỗ trợ tối đa 168 triệu đồng. Hàng năm, việc lựa chọn mô hình giảm nghèo được tỉnh giao cho huyện.
Thông qua Phòng LĐ-TB&XH phối hợp các xã khảo sát từ nhu cầu của người nghèo, cận nghèo nhằm lựa chọn mô hình phù hợp nhất. Chương trình tập trung ở các địa phương trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao để góp phần hoàn thành các tiêu chí đạt chất lượng, thúc đẩy công tác xóa nghèo nhanh và bền vững.
Đầu tháng 3-2022, sau thời gian tập huấn tiếp cận mô hình, Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Phú đã trao thiết bị thuộc mô hình giảm nghèo “Tổ hợp tác áp dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp” cho 25 hộ. Chị Nguyễn Thị Hương (cán bộ lao động, giảm nghèo xã Ô Long Vĩ) cho biết, qua khảo sát và nắm bắt nhu cầu của người nghèo, cận nghèo, địa phương phối hợp Phòng LĐ-TB&XH tổ chức lớp tập huấn sửa chữa kỹ thuật máy phun thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình học, các học viên rất tập trung, nhiệt tình, được giáo viên hướng dẫn về lý thuyết và thực hành trên máy móc rất tận tình. Chế độ cho học viên tham gia tập huấn là 90.000 đồng/ngày và hỗ trợ vốn 5 triệu đồng/người (trực tiếp 1 máy phun thuốc Nhật Bản, hiệu Honda), tạo điều kiện để thoát nghèo bền vững.
Tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới), nghề được lựa chọn triển khai cho hộ nghèo và cận nghèo tham gia là kỹ thuật se nhang. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông Phạm Văn Phúc thông tin, nghề se nhang tập trung nhiều nhất tại ấp Mỹ Hòa A, giải quyết việc làm cho khá nhiều lao động tại chỗ. Phần lớn các hộ sản xuất bằng máy móc, cho chất lượng và thành phẩm đẹp, có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo thu nhập cho lao động địa phương. Thấy được hiệu quả này, xã tập trung những hộ nghèo, cận nghèo để tập huấn về kỹ thuật làm và hỗ trợ vốn sản xuất.
“Đây là những lao động đã có tay nghề, quen với việc làm nhang nhiều năm, việc tập huấn nhằm giúp họ được trang bị kỹ thuật bài bản hơn, tiếp cận máy móc thuận lợi. Sau 1 năm, những hộ chí thú làm ăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo sẽ hoàn trả số tiền hỗ trợ cho nhà nước thu hồi vốn. Nếu hộ nào còn khó khăn sẽ được gia hạn thêm 1 năm không tính lãi suất” - ông Phúc cho hay.
Năm 2021, với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang và phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo đó, toàn tỉnh đã thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, cho vay hộ nghèo 54,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo 259,4 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 151 tỷ đồng. Riêng việc hỗ trợ vốn để triển khai các mô hình giảm nghèo bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19, hiện đã được các địa phương xúc tiến phân bổ nguồn vốn kịp thời.
Mục tiêu chung trong kế hoạch nhân rộng các mô hình giảm nghèo là hỗ trợ xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…
MỸ HẠNH