Nhạy bén chuyển đổi cây trồng

01/07/2022 - 02:14

 - Mong muốn tìm được cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế, thời gian qua, nông dân ở các địa phương đã nhạy bén trong tìm hiểu, chọn lựa những giống cây trồng mới để canh tác. Trước khi bắt đầu thực hiện mô hình, nhà nông đều rất chịu khó tìm hiểu thị trường, đầu ra cho nông sản, cũng như thông tin từ báo chí, mạng internet, tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế những mô hình đã thành công trước đó.

Cây trồng mới trên nền đất lúa

Ngoài diện tích đất ruộng đang canh tác, anh Nguyễn Thành Dảo (xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) còn mạnh dạn thử nghiệm chuyển đổi một phần diện tích lên làm vườn, với nhiều loại cây ăn trái, như: Mãng cầu, xoài Đài Loan, mít Thái, cây sirô…

Đến nay, diện tích vườn cây ăn trái đã thu hoạch được vài vụ, năng suất ổn định. Tuy nhiên, có thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên gặp khó khăn trong vận chuyển, mua bán, vì vậy, giá cả không được như mong đợi.

Theo anh Dảo, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng chung nên nông dân ai cũng gặp khó, giá bán tuy rẻ nhưng bán được là mừng. Thấy diện tích đất vườn còn trống, anh Dảo đã tận dụng trồng thêm 120 gốc cây sirô - loại cây trồng mới ở địa phương. Đây là vụ thứ 2, cây sirô trong vườn cho trái, anh Dảo hái và đem cân cho thương lái với giá 20.000 đồng/kg.

Vì là cây trồng mới, chưa có nhiều người biết nên cần thời gian tiếp cận thị trường, giá bán cũng dao động, chưa ổn định. Hiện nay, nhu cầu chủ yếu mua trái sirô chín để ươm cây giống hoặc sử dụng làm màu thực phẩm rất đẹp và an toàn. Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng sử dụng trái sirô chín để nấu nước uống vì đây là loại trái cây có nhiều vitamin tốt cho sức khỏe.

Anh Dảo đang ấp ủ nhiều hướng đi mới cho cây sirô

Theo anh Dảo, cây sirô mỗi năm thường cho trái 1 vụ, khi cơn mưa đầu mùa rớt hạt, cây sirô bắt đầu ra hoa rồi đậu trái. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian từ 3-4 tháng, trái sống mới bắt đầu chín, khi đó trái sẽ chuyển dần từ trắng sang đỏ, rồi khi chín hẳn sẽ chuyển sang màu đen.

“Trong suốt thời gian chăm sóc, người trồng muốn trái sirô to, tròn, đạt năng suất thì ngoài bổ sung phân bón và quan trọng là tưới đủ nước. Khi thu hoạch xong đợt trái nào, người trồng nên dọn gọn tán cây, nhất là những cành xung quanh gốc cho thông thoáng, như vậy khi đến mùa sau sẽ cho trái sai theo chùm và năng suất cao hơn” - anh Dảo chia sẻ kinh nghiệm.

Thời gian tới, anh Dảo còn hướng phát triển vườn sirô của mình theo kiểu vừa thu hoạch trái, vừa chọn lựa những cây có gốc đẹp cho vào chậu chăm sóc theo kiểu bon-sai để có thể đáp ứng nhu cầu chơi kiểng trong ngày Tết của người dân.

"Tôi cũng đang nghiên cứu lại cách nấu sirô cho ngon để có thêm đầu ra khi tới mùa thu hoạch. Nếu thị trường có nhiều nhu cầu hơn về trái sirô, tôi dự định sẽ mở rộng thêm diện tích ở xung quanh nhà, trồng ở hàng rào trước sân để làm cảnh, khi tới mùa vẫn có thể thu hoạch trái, rất tiện” - anh Dảo thông tin.

Vườn nho đầu tiên ở Chợ Mới

Ông Nguyễn Văn Mến (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) là một lão nông gạo cội, có nhiều năm kinh nghiệm từ làm lúa, đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang rau màu, lập vườn trồng các loại cây ăn trái. Gần 1 năm nay, ông Mến mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng cây táo chua sang trồng cây nho có xuất xứ từ tỉnh Ninh Thuận. Trước khi bắt tay vào trồng nho, ông Mến đã dành nhiều thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở vườn nho ở các tỉnh bạn, như: Đồng Tháp, Ninh Thuận…

Ông Mến tìm và đặt cây giống chất lượng ở Ninh Thuận, với trên 300 gốc nho các loại, như: Nho móng tay, nho kẹo, nho mẫu đơn, nho không hạt… được trồng thử nghiệm trên diện tích 1.800m2. Hiểu được cây nho không chịu nước ngập, cùng với kinh nghiệm làm vườn bấy lâu nay, ông Mến đắp đất lên liếp, tạo mương nhỏ, để khi có mưa nhiều thì dễ thoát nước, tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây nho. Sau 5 tháng trồng, cây nho bắt đầu ra hoa, kết trái. Hiện nay, nho đã bắt đầu cho trái chín vụ đầu tiên.

Những chùm nho trĩu quả là tâm huyết của lão nông Nguyễn Văn Mến

 Theo kinh nghiệm trồng nho của nông dân ở Ninh Thuận, các giống nho này thích hợp với loại đất pha cát, dễ thoát nước. Trùng hợp hơn là diện tích đất ông Mến cải tạo để trồng nho trước đây là hầm nước, sau đó được bơm cát lấp lại nên rất phù hợp.

Ông Mến cho biết, kỹ thuật để kích cho nho ra hoa không khó, người trồng chỉ cần quan sát khi cây đủ sức thì tiến hành dọn cành, dùng thuốc kích thích là cây nho sẽ ra hoa. Tuy nhiên, đối với bất kỳ loại cây trồng nào cũng vậy, thứ cần nhất là kinh nghiệm thực tế, vừa canh tác vừa học tập, rút kinh nghiệm thì mới hiệu quả. Vì mỗi vùng đất sẽ khác nhau, về dinh dưỡng, độ PH, ngay cả khí hậu đã khác biệt.

“Nhà nông sợ nhất sương muối, vì rất dễ có mầm bệnh phát triển trong môi trường này. Bởi vậy, cứ sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc lên thì mình nên tưới nước để rửa trôi đi phần sương. Phòng bệnh hơn trị bệnh, bởi khi cây bị bệnh thường rất khó trị, có trị được bệnh thì vừa tốn chi phí mà cây bị èo ọt, chậm phát triển và cây nho cũng không ngoại lệ” - ông Mến giải thích.

Với những kỹ thuật học hỏi được, cùng với kinh nghiệm làm vườn nhiều năm, vườn nho của ông Mến phát triển khá tốt, hiện nay nho cho trái nhiều, sắp chín nên đã mở cửa cho khách đến tham quan, chụp ảnh.

Dự kiến, sau vụ nho đầu tiên này, ông Mến sẽ cho dọn vườn sạch sẽ, chăm sóc nho đủ sức để tiếp tục đón vụ nho cho trái ngay Tết Nguyên đán năm 2023. Như vậy, vừa có thể cho du khách đến tham quan, chụp ảnh vừa có thể bán nho tại vườn. 

ÁNH NGUYÊN