Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ nông thôn

10/12/2020 - 05:05

Trong bối cảnh ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chợ Mới (An Giang) đã sáng tạo trong cách nghĩ, đổi mới cách làm, thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ vùng nông thôn thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống hội viên phụ nữ, đồng hành cùng địa phương hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tặng giỏ nhựa đi chợ thay thế túi ny-lon

Đến nay, huyện Chợ Mới có 52 điển hình và mô hình đạt hiệu quả nhân rộng, 26 mô hình dân vận khéo trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, góp phần đưa 11/18 xã, thị trấn đạt NTM (1 xã NTM nâng cao và 2 thị trấn đạt đô thị văn minh). Hội phối hợp tổ chức 71 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ cho 1.308 chị, có 1.118 chị có việc làm sau đào tạo; giúp 209 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh số tiền hơn 2,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kiến thức hội viên, phụ nữ và trẻ em gái về kỹ năng giáo dục, nuôi dạy con, tổ chức tốt cuộc sống gia đình; đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình, nơi làm việc, trường học và ngoài xã hội. Tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ, trẻ em chủ động trao đổi các vấn đề của bản thân, gia đình và cộng đồng khi gặp khó khăn, bị bạo lực, xâm hại. Trang bị 5 tủ thuốc y tế tại các xã, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”; xây dựng 71/142 ấp “5 không, 3 sạch”; thành lập 28 tổ may khẩu trang miễn phí, tặng 117.120 khẩu trang, 13.717 chai nước rửa tay khô để chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Mới Trần Thị Ngọc Hà cho biết: “Các mô hình học tập theo Bác được duy trì và phát triển như: hũ gạo tình thương, đồng tiền nhân ái, hùn vốn xoay vòng, tiết kiệm mua bảo hiểm y tế, đồng hành cùng phụ nữ già, neo đơn, quầy hàng miễn phí dành cho người nghèo, nuôi heo đất khuyến học… Các mô hình đã góp được 21.920kg gạo, quà với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 5.200 lượt hộ gia đình nghèo, khó khăn và hỗ trợ điều trị bệnh. Ngoài ra, giới thiệu 8 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị bệnh nặng tham gia các chương trình nhân đạo và được hỗ trợ hơn 363 triệu đồng”.

Qua các hoạt động xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu như: hỗ trợ hơn 83 triệu đồng chăm lo cho sức khỏe cho 386 học sinh nữ và con em hội viên đầu năm học; hỗ trợ thường xuyên 33 triệu đồng cho 24 hoàn cảnh khó khăn; tổ phụ nữ làm từ thiện ở các xã: Mỹ An, Hòa An, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân nấu hơn 9.300 phần ăn cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp lễ, Tết, Hội LHPN huyện phối hợp trao hơn 6.300 phần quà cho hội viên, phụ nữ nghèo, hộ nghèo, khó khăn, số tiền hơn 2 tỷ đồng; phối hợp hỗ trợ 528,3 triệu đồng cho 3.089 hộ khó khăn, hộ bán vé số bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Hội Phụ nữ cơ sở nhân rộng 30 “Quầy hàng miễn phí dành cho người nghèo”. Riêng Hội LHPN xã Bình Phước Xuân xây dựng mô hình “Phiên chợ 0 đồng” hàng tháng mở quầy hàng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; Hội LHPN thị trấn Mỹ Luông thành lập “Quầy hàng 0 đồng” hàng tuần cung cấp nhu yếu phẩm. Hội LHPN các cấp phối hợp tuyên truyền 102 cuộc về phòng, chống mua bán người, xâm hại trẻ em, tội phạm và tệ nạn xã hội...

Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

các cấp hội đẩy mạnh xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, NTM, đến nay có 72.960 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí; cùng với mô hình “Cha, mẹ nuôi dạy con tốt”, “Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em”, hùn vốn mua bảo hiểm y tế xoay vòng... Vận động kinh phí hơn 717 triệu đồng hỗ trợ cất mới, sửa chữa 15 căn nhà mái ấm tình thương. Ngoài ra, các cấp hội giới thiệu 23 chị vay vốn khởi nghiệp số tiền 540 triệu đồng, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp. Hội giới thiệu 895 chị tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng, số tiền gần 21 tỷ đồng...

Phát huy hiệu quả mô hình tổ hùn vốn xoay vòng, tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, khó khăn, đã hỗ trợ 53 chị vay không lãi mua bán nhỏ hơn 161 triệu đồng. Vận động hội viên có vốn nhàn rỗi được 172 triệu đồng giúp 86 hội viên khó khăn vay lãi suất thấp. Hội còn tổ chức 24 lớp dạy nghề làm vườn, nuôi lươn, chăn nuôi bò, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn; giới thiệu việc làm cho 1.348 chị (1 chị xuất khẩu lao động sang Nhật Bản).

Với nhiều cách làm sáng tạo, phương thức hoạt động phù hợp với thực tế, nhiều hội viên được tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế, tạo động lực cho chị em vươn lên thoát nghèo; công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ được quan tâm đẩy mạnh; các mô hình học tập, làm theo Bác được nhân rộng và đi vào thực chất, tinh thần “Tương thân tương ái” lan tỏa, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU