Nhiều kết quả nổi bật hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020

27/04/2021 - 06:27

 - Từ năm 2016 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đóng góp tích cực, tăng cường hàm lượng khọc học và công nghệ (KH&CN) đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa tại địa phương.

Đề tài nghiên cứu xây dựng Khu bảo tồn dược liệu kết hợp phát triển du lịch tại núi Cấm

Theo Sở KH&CN, từ năm 2016-2020 có 306 đề tài, dự án, mô hình (88 đề tài cấp tỉnh; 165 đề tài cấp cơ sở; 59 dự án, mô hình nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, tập huấn và sản xuất thử nghiệm) được triển khai thực hiện trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học - kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, nông nghiệp, với tổng kinh phí thực hiện 259 tỷ đồng.

Trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ (thông qua nguồn sự nghiệp KH&CN) hơn 121 tỷ đồng (chiếm 46,83% tổng kinh phí thực hiện); từ nguồn xã hội hóa hơn 137 tỷ đồng (chiếm 53,17%). Đặc biệt, có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, nông dân, các tổ chức KH&CN và các cá nhân tham gia chủ trì thực hiện.

Thông qua các đề tài, dự án KH&CN, ngành KH&CN đã hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu ứng dụng, sản xuất, nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm; hỗ trợ xây dựng các  mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nâng cao năng lực ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới, tiếp nhận những quy trình, kỹ thuật mới, mô hình mới áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Đặc biệt, ngành KH&CN đã triển khai thực hiện các chương trình trọng điểm của UBND tỉnh, như: phát triển các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học; phát triển dược liệu và y học cổ truyền; nghiên cứu phát triển du lịch và phát triển bền vững các vùng sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển kinh tế - xã hội...

Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ chi phí đăng ký 140 nhãn hiệu cá thể, 10 nhãn hiệu tập thể, thanh lý hỗ trợ 4 nhãn hiệu tập thể, 15 kiểu dáng công nghiệp và 5 giải pháp hữu ích. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, từ năm 2016 đến cuối năm 2020, tỉnh có 967 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và dự kiến được cấp 556 giấy chứng nhận/văn bằng.

Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường cho kết quả tương đối tốt, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã nâng cao ý thức chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Hiện nay, toàn tỉnh có 173 cơ quan hành chính nhà nước đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 và ISO 9001:2015, góp phần đổi mới trong tác phong và lề lối thực hiện, xử lý công việc, nâng cao chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân khi tiếp xúc giải quyết công việc với cơ quan nhà nước, quy trình giải quyết công việc một cách khoa học, góp phần tích cực nâng cao chỉ số cạnh tranh PCI.

Theo Sở KH&CN hoạt động KH&CN An Giang từng bước được củng cố và phát triển theo hướng ngày càng đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất và đời sống nhân dân. Tiềm lực KH&CN từng bước được nâng lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là những thành tựu trong nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp, tạo cơ sở, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quản lý nhà nước về KH&CN được đổi mới. Việc chuyển giao kết quả các đề tài, dự án cho các tổ chức, cá nhân sử dụng và nhân rộng được quan tâm thực hiện ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Các tiến bộ KH&CN được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất. Hoạt động đổi mới, sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ được phát huy. Đặc biệt, hoạt động KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu dược liệu, sản xuất nông nghiệp. Nhất là việc nghiên cứu phát triển giống lúa và giống thủy sản, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, tạo cơ sở, nền tảng cho định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần quan trọng tham gia hình thành và phát triển sản phẩm chiến lược của quốc gia.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, phát huy các nguồn lực, kết hợp xã hội hóa và hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH&CN. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tập trung vào phát triển công nghiệp hóa dược, chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, lấy phát triển doanh nghiệp lớn dẫn dắt thị trường làm đầu mối để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp vùng nông thôn.

Đẩy mạnh nghiên cứu triển khai và ứng dụng rộng rãi thành tựu KH&CN trong sản xuất - kinh doanh; ưu tiên đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học về giống cây trồng, vật nuôi. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai phát triển mạnh lĩnh vực sơ chế đóng gói bao bì, đặc biệt là dịch vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng, và cải tiến mẫu mã và ghi nhãn hàng hóa, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng công nghệ mới; Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu ứng dụng KH&CN và các hoạt động sản xuất.

HẠNH CHÂU