Bà con nông dân xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chăm sóc lúa.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp, thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, hình ảnh “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, “Nông nghiệp Đồng Tháp – Giá trị xanh từ tiềm năng xanh” và các sản phẩm nông nghiệp đã được người tiêu dùng, du khách du khách trong và ngoài nước biết “Có một nơi như thế” một điểm đến tiềm năng và đáng sống. Qua đó có nhiều mô hình mới xuất hiện.
Mô hình tôm – lúa - sinh kế cho người dân vùng lũ là cách làm mới trong mô hình luân canh lúa - tôm càng xanh có nhiều ưu điểm hơn trước do người nuôi có thể chủ động điều tiết được mực nước trong ao nên không còn phụ thuộc vào nước lũ hằng năm; tận dụng được ưu thế từ mô hình luân canh lúa - tôm truyền thống. Lúa phát triển tốt, chi phí thấp do tận dụng được chất hữu cơ từ thức ăn và chất thải sau vụ nuôi tôm.
Đến vụ tôm, ít dịch bệnh xảy ra do hầu hết các tác nhân gây bệnh trên tôm bị cắt vòng đời, không thể phát triển sau một vụ lúa, giúp làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Lúa được hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, tôm ít dùng thuốc, hóa chất điều trị bệnh nên giảm tác động đến môi trường.
Nổi bật mô hình lúa – sen là mô hình luân canh lúa sen, nông dân gieo cấy vụ lúa Đông Xuân và trồng sen vào vụ còn lại mỗi năm. Điển hình có anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười cho biết, trồng sen thu gương, thu ngó còn kết hợp với du lịch, gia đình anh Ngọt trồng 4 ha sen, sau khi trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng.
Với diện tích sen trên đất lúa mùa lũ hiện có, gia đình anh còn kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho khách tham quan vùng trồng sen mùa lũ bằng thuyền, khách du lịch thưởng thức các món ăn từ sen, cho nên tăng thêm lợi nhuận.
Hệ thống luân canh này giúp giảm sâu bệnh cho vụ lúa sau vì nó cắt sự có mặt liên tục của lúa, là nơi ở thích hợp cho sâu bệnh sinh sôi nảy nở. Mô hình này được đánh giá cao khi giải quyết hiệu quả một số loại bệnh hại nguy hiểm trên cây sen như bệnh thối ngó.
Mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, là mô hình do Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười phối hợp cùng Công ty Rynan Smart Fertilizers thực hiện thí điểm trên diện tích 7,6 ha.
Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Đông 2 cho biết, Hợp tác xã áp dụng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư và giảm nhân công lao động. Năng suất lúa trong mô hình tăng, giảm 50% phân bón, giảm 75% công bón phân, giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính. Từ đó, thu nhập của bà con tăng lên ít nhất được 20%, đảm bảo tiêu thụ/liên kết doanh nghiệp tiêu thụ trên 70% sản lượng lúa trong mô hình sản xuất ra thông qua hợp đồng tiêu thụ.
Hiện nay Mô hình “Ruộng nhà mình” là mô hình triển khai tại Hợp tác xã Thuận Tiến huyện Cao Lãnh và Hợp tác xã Tiến Cường huyện Tam Nông trong vùng dự án VnSAT Đồng Tháp. Sản phẩm của mô hình là gạo an toàn - tối ưu giá, Công ty Lương thực Đồng Tháp sẽ đảm nhiệm khâu bao tiêu, chế biến và đóng gói, Công ty cổ phần Chuỗi giá trị nông sản thực phẩm Việt, website www.ruongnhaminh.vn chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống phân phối sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ của 2 đơn vị là Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp xanh Hà Nội và Tập đoàn An Việt. Đến nay Công ty Lương thực đã liên kết tiêu thụ với 2 hợp tác xã được 92 ha, sản lượng 552 tấn, doanh thu từ sản phẩm gạo đạt 1,4 tỷ đồng.
Mô hình “Cây xoài nhà tôi” là mô hình đa dạng hóa phương thức quảng bá loại đặc sản Xoài Cao Lãnh. Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh đã mạnh dạn cho ra mắt mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Mô hình với những ưu điểm vượt trội, toàn bộ quy trình sản xuất đều được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp nông dân trồng xoài ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo gắn kết giữa nông dân sản xuất và người tiêu dùng sở hữu được cây xoài mình yêu thích, giúp gia tăng giá trị cây xoài.
Mô hình “Cây xoài nhà tôi” xuất phát đầu tiên ở huyện Cao Lãnh không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nhà vườn, mà còn quảng bá thương hiệu “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” đến mọi miền đất nước. Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết, mô hình "Cây xoài nhà tôi" ra đời tháng 9/2016, mô hình đã cung ứng 358 cây xoài các loại với tổng số tiền thu được cho thành viên trên 2,1 tỷ đồng.
Tỉnh Đồng Tháp không chỉ phát triển mạnh mô hình “ Cây xoài nhà tôi” mà còn xuất hiện thêm mô hình “Cây cam vườn tôi” là sản phẩm sạch, được kiểm chứng rõ ràng, “Cây cam vườn tôi” được “chào sàn” qua trang website: nongsancaolanh.vn. Với giá 4 triệu đồng/năm/cây, mỗi vụ 1 cây cam có thể cho sản lượng từ 80 kg đến 100 kg trái sạch giao cho khách hàng. Khách hàng quản lý quá trình sinh trưởng cây cam của mình thông qua website hoặc hình cập nhật trên mạng xã hội hoặc tại vườn bất cứ khi nào.
Ngoài việc các mô hình sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang phát triển mạnh mô hình du lịch cộng đồng, như mô hình Homestay tư Cá linh ở huyện Tam Nông, ngôi nhà Hoa - Ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà Hoa Hồng tại thành phố Sa Đéc, các mô hình đưa du khách đến với thiên nhiên, sinh hoạt với gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và có những trải nghiệm thực tế về cuộc sống của người dân Đồng Tháp.
Nổi bật Vườn du lịch hoa kiểng của hộ ông Nguyễn Phước Lộc ở xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc. Ông Lộc cho biết đã đầu tư, mở rộng và sắp xếp lại khu vườn với diện tích 25.000 m2. Nổi bật là vừa qua trồng hoa hồng với số lượng hàng chục ngàn chậu hoa hồng, trên 130 giống hoa hồng các loại. Ngoài việc bán cây con, cơ sở của ông còn phục vụ cho khách đến tham quan du lịch.
Ông Lộc cho biết, thiết kế khu vườn thành điểm du lịch homestay đặc trưng của vùng đất hoa kiểng. Đến đây du khách sẽ được ngắm những cây hoa kiểng đặc thù chỉ có ở Sa Đéc, được phục vụ những món ăn đặc trưng và được mua những món quà lưu niệm, đặc sản của Đồng Tháp.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác thế mạnh hoa kiểng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao thu nhập nông thôn. Thời gian tới tỉnh tạo dựng hình ảnh các mô hình bằng việc tiếp tục cải tiến và phát triển chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh như lúa, xoài, cá tra, hoa kiểng và vịt; hình thành vùng sản xuất tập trung về thuỷ sản, cây ăn trái và lúa gạo đặc sản...
Theo NGUYỄN VĂN TRÍ (TTXVN)