Nhiều nhà cung ứng công nghệ rời Trung Quốc vì thương chiến

14/08/2019 - 19:35

Cuộc chiến thương mại 'rất đau đớn' giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến không ít hãng công nghệ phải chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi quốc gia Đông Á.

Công nhân làm việc tại nhà máy điện tử tại tỉnh Sơn Đông Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, Inventec, hãng sản xuất laptop cho HP, cho biết họ sẽ chuyển sản xuất notebook cho thị trường Mỹ ra khỏi Trung Quốc trong vài tháng tới, với lý do là thương chiến Mỹ - Trung tăng tiến và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế quan lên 300 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng sau.

Chủ tịch Inventec Maurice Wu cho biết công ty sẽ chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất máy tính xách tay đến Đài Loan, nơi đặt trụ sở hãng. Doanh nghiệp của ông Wu kỳ vọng hoàn tất quá trình chuyển đổi trong từ hai đến ba tháng. Inventec lắp ráp AirPods cho Apple và sản xuất máy tính notebook cho HP, mặt hàng chiếm khoảng 1/3 doanh thu công ty.

Từ Inventec đến Hon Hai Precision Industry (Foxconn), hãng lắp ráp cho Apple kiêm nhà sản xuất hầu hết thiết bị điện tử trên thế giới, đang tính chuyện rời khỏi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Thuế quan áp lên hàng sản xuất ở Trung Quốc có nguy cơ xóa sạch lợi nhuận doanh nghiệp và có nguy cơ kết thúc chuỗi cung ứng quen thuộc trong nhiều thập niên.

Microsoft, Amazon, Sony và Nintendo là một số hãng công nghệ hiện cân nhắc lựa chọn rời Trung Quốc, đến với các nước ở Đông Nam Á hoặc Ấn Độ. Google của Alphabet đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất bo mạch chủ cho thị trường Mỹ sang Đài Loan.

"Cuộc chiến thương mại rất đau đớn với chúng tôi", ông Wu nói trong buổi họp chia sẻ chuyện thay đổi nơi sản xuất tác động ra sao đến tính hiệu quả và lợi nhuận doanh nghiệp.

Động thái của Inventec là một trong các đợt "di cư" sản xuất lớn nhất kể từ khi ông Trump quyết áp thuế quan 10% lên 300 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thiết bị tiêu dùng như smartphone, notebook. Nhiều nhà sản xuất Đài Loan khác chuyên làm hàng cho Dell Technologies hay Nintendo cũng lên kế hoạch dự phòng, chuyển một số hoạt động lắp ráp sang nơi khác và tìm địa điểm thay thế.

Hôm 12.8, CEO Compal Electronics Martin Wong cho hay công ty của ông, vốn là đối thủ của Inventec, đã chuyển một số dây chuyền sản xuất notebook đến Đài Loan và cân nhắc đầu tư thêm vào Việt Nam nếu thương chiến tiếp diễn. Quanta Computer thì cho hay doanh nghiệp chắc chắn sẽ dời sản xuất sang Đông Nam Á song chưa nêu mốc thời gian cụ thể. Quanta đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu khách hàng ngoài Trung Quốc bằng các cơ sở ở Đài Loan.

Giới doanh nghiệp Mỹ từ lâu xem Trung Quốc là công xưởng nhưng hiện giờ, họ đang nỗ lực thoát khỏi lối mòn đó vì căng thẳng thương mại và vì Bắc Kinh sẵn sàng kiềm chế doanh nghiệp ngoại hoạt động trong nước. Đây là xu hướng có thể kéo dài và lan rộng nếu Washington và Bắc Kinh cạnh tranh, căng thẳng trong mọi lĩnh vực từ thương mại, tiếp cận thị trường đến công nghệ.

Chiến tranh thương mại không chỉ làm khó Mỹ, Trung Quốc mà còn đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn phức tạp. Nhiều thành phần trong thiết bị không được sản xuất ở Mỹ dù được thiết kế tại đây. Chip điện thoại do Apple thiết kế có thể xuất xưởng từ nhà máy ở Đài Loan, sau đó được tích hợp vào mạch tại một nơi khác trước khi được chuyển đến Trung Quốc để sẵn sàng bước vào iPhone.

Theo Thanh Niên

 

Liên kết hữu ích