Một trong những tiêu chí để đánh giá tiềm năng phát triển ngành yến sào, đó là có điều kiện khí hậu thiên nhiên mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 25-270C, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Môi trường ở An Giang trong lành, không gian yên tĩnh, giúp việc dẫn dụ chim yến về làm tổ rất tốt. Địa hình thấp, nhiều cây xanh, vừa tạo ra nguồn thức ăn phong phú cho chim yến, vừa không gây cản trở đến quá trình bay lượn.
Ngoài điều kiện về tự nhiên, các yếu tố khác, như: Tay nghề, kinh nghiệm, nguồn vốn, thiết bị phục vụ ngành nuôi chim yến được cung cấp đầy đủ cho những người có nhu cầu. Về đầu ra, sản phẩm yến thô An Giang được DN trong và ngoài tỉnh thu gom, chế biến thành sản phẩm yến tinh để tiêu thụ trong và ngoài nước. Ngoài xuất sang Trung Quốc, sản phẩm yến tinh của An Giang còn xuất sang các quốc gia phát triển, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada…
Đi đầu trong chế biến yến tinh hiện nay trên địa bàn, trước hết phải nói đến Công ty TNHH Viet Sun Bird’s Nest. Công ty có nhà máy đặt ở xã Định Thành (huyện Thoại Sơn). Đây là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành yến. Thế mạnh của DN là cung cấp thiết bị nuôi chim yến, đẩy mạnh thu mua sản phẩm yến thô mang về chế biến thành sản phẩm tinh xuất khẩu. Chỉ tính riêng khâu chế biến từ yến thô thành yến tinh, DN giúp huyện Thoại Sơn giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.
Giám đốc Công ty TNHH Viet Sun Bird’s Nest Mai Trâm cho biết, ngoài 1 nhà máy sản xuất yến tinh tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, đơn vị đã đầu tư thêm 1 nhà máy chế biến yến tinh, xây dựng showroom trưng bày, cung cấp thiết bị phục vụ nuôi chim yến cho người dân trong tỉnh. Hiện, sản phẩm của nhà máy, gồm có: Yến tổ, yến chưng sâm, yến chưng với đông trùng hạ thảo, táo đỏ, hạt chia và rất nhiều sản phẩm khác.
Ngoài khí hậu mát mẻ, thức ăn trong thiên nhiên dành cho chim yến rất nhiều, An Giang còn là địa phương được hàng loạt DN có kinh nghiệm trong ngành yến sào của cả nước về đây đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, cung cấp thiết bị nuôi chim yến.
“Trước đây, khi chưa có Công ty TNHH Viet Sun Bird’s Nest, muốn mua loa, miếng dán, amply hay thiết bị dùng cho nhà yến nói chung, tôi phải lên TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tìm mua, vừa tốn tiền, vừa mất nhiều thời gian. Nay, có showroom trưng bày tại đầu kênh F (xã Định Thành), những người nuôi chim yến ở An Giang rất yên tâm. Muốn mua thiết bị nào ở đây cũng có, giá cả hợp lý” - ông Nguyễn Văn Mãnh (xã Định Thành) chia sẻ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, hiện sản lượng tổ yến được người dân khai thác ước tính khoảng 6 tấn/năm. Với giá yến thô từ 19-25 triệu đồng/kg, mỗi năm ngành yến sào góp phần cho tăng trưởng nội ngành trên 150 tỷ đồng. Nếu chúng ta có chiến lược phát triển, yến sào sẽ trở thành một trong những sản phẩm mang lại kinh tế cao cho tỉnh nhà.
Thực tế cho thấy, chim yến mà người dân trên địa bàn tỉnh đang nuôi là loại yến cho sản phẩm chất lượng cao. Sản phẩm yến sào An Giang đã chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước. “Đây là con vật mà chúng ta không cho ăn, không cho uống, không cần con giống, chỉ xây nhà đạt tiêu chuẩn để dẫn dụ. Ở đó, nhiệt độ, độ ẩm bên trong phải ổn định, chim yến về ở và sinh sản nhiều” - ông Trần Minh Tuấn (người nuôi chim yến xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) chia sẻ.
Theo ông Tuấn, nếu yến đảo mỗi năm thu hoạch 3 lần thì ở yến nuôi, người nuôi bảo vệ được môi trường sống của chim yến tốt có thể khai thác liên tục trong năm. Đối với yến tơ, thời gian khai thác tổ yến là 3,5 tháng, yến già là 2,5 tháng. An Giang hiện có gần 1.000 nhà nuôi chim yến, phân bổ đều khắp địa bàn tỉnh, trong đó huyện Thoại Sơn, Châu Phú, TP. Long Xuyên… là những địa phương phát triển ngành yến sào rất mạnh. Có những nhà yến, bình quân mỗi năm khai thác trên 30kg.
Để ngành này trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng ở An Giang, ngoài những quy định, quy hoạch trong xây dựng nhà nuôi chim yến, các cơ quan chức năng cần đi sâu nghiên cứu, tạo điều kiện cho DN, người nuôi về nguồn vốn, điều kiện nuôi cũng như việc đẩy mạnh trao đổi, học tập kinh nghiệm từ các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức đối với người nuôi chim yến, không để tình trạng ô nhiễm âm thanh, môi trường. Có như vậy thì ngành yến sào sẽ từng bước phát triển, tạo dựng thương hiệu riêng cho An Giang.
MINH HIỂN