Nếu việc chuyển bệnh là nghề như bao nghề khác, hẳn không có gì để bàn. Nhưng đối với nghề này, giá trị của nó nằm ở chỗ được thực hiện miễn phí, bằng cái tâm và sự tự nguyện. Có người chỉ mới bắt tay với công việc nhưng không ít tài xế đã gắn bó nhiều năm.Khi được hỏi động lực nào thôi thúc họ dám “dấn thân” như vậy, các bác tài cười hiền và trả lời: “Giúp bệnh nhân đến bệnh viện sớm, thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” là chúng tôi vui rồi”. Vâng, “sống để cho đi” là như thế, còn gì cao cả hơn khi làm được việc gì đó giúp người trong cơn nguy cấp. Hơn 9 năm làm bạn với chiếc xe cứu thương từ thiện của xã Định Mỹ (Thoại Sơn), anh Trần Văn Nguyên (sinh năm 1967, ngụ ấp Phú Hữu) đã quen với “giấc ngủ không yên” hay những bữa cơm chưa kịp ăn, vì bận lái xe chuyển bệnh. Việc cả xóm trên, làng dưới đều biết số điện thoại của bác tài lái xe cứu thương ấy như là chuyện hiển nhiên. Vì bất cứ thời điểm nào, chỉ cần người thân bệnh nhân liên lạc, anh Nguyên sẽ có mặt một cách nhanh nhất.
Bác tài nhân ái là tên gọi mà người dân quê dành tặng cho những tài xế lái xe chuyển bệnh từ thiện
“Khi địa phương chưa có xe chuyển bệnh miễn phí. Mỗi lần có bệnh cần được chuyển, tôi “đánh liều” chở luôn bằng xe tải chở hàng của gia đình. Không ít người ngạc nhiên nhưng miễn sao cứu được bệnh nhân là vui rồi. Tôi kéo dài việc ấy cũng 3-4 năm. Đến năm 2009, địa phương vận động được nhà hảo tâm mua được chiếc xe cứu thương gần 600 triệu đồng, ai nấy đều vui mừng. Từ đó, tôi đăng ký tham gia việc lái xe từ thiện để chuyển bệnh khi cần. Không chỉ chuyển bệnh ở tuyến huyện hay tuyến tỉnh, nhiều cas bệnh nặng, tôi còn chuyển bệnh lên tận TP. Hồ Chí Minh. Chìa khóa xe và điện thoại được xem là vật “bất ly thân” của tôi. Vì tính mạng người bệnh lúc ấy hoàn toàn phụ thuộc vào người lái xe chuyển bệnh. Khi ranh giới giữa sống và chết rất mong manh, tôi phải tranh thủ thời gian để mang bệnh nhân đến với bác sĩ nhanh nhất. Tất nhiên, an toàn giao thông vẫn được đặt lên hàng đầu” - anh Nguyên chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1973, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) làm quen với công việc chuyển bệnh miễn phí cách đây hơn 1 năm. Thời gian đầu, địa phương có thuê tài xế chạy với lương 3 triệu đồng/tháng. Được một thời gian, tài xế muốn “tăng lương” mà khả năng của địa phương không đáp ứng được. Thấy vậy, anh Phương mới học và được cấp giấy phép lái xe, rồi xin vào đội lái xe từ thiện của xã. Hiện, đội lái xe từ thiện của xã Vĩnh Khánh có 3 thành viên, tất cả hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, miễn phí và hết lòng vì bệnh nhân. Dẫu việc mình làm rất đáng ca ngợi nhưng anh Phương vẫn do dự khi chia sẻ cùng tôi, bởi theo anh, người tài xế một khi đã quyết tâm chuyển bệnh từ thiện thì không cần mọi người biết đến. Với họ, thấy được bệnh nhân qua cơn nguy kịch đã là “món quà” lớn nhất. Vậy rồi, lần đầu tiên, tôi được anh Phương tâm sự về những vui, buồn trong việc lái xe chuyển bệnh mà chợt nghe sống mũi mình cay cay.
“Đôi lúc vì sốt ruột lo cho bệnh nhân mà người nhà cáu gắt, la mắng cho rằng tôi lái xe đến chậm. Những lúc ấy chạnh lòng lắm nhưng mình không thể cự lại vì thiết nghĩ, nếu người nhà mình rơi vào hoàn cảnh ấy, chắc gì mình đã giữ được bình tĩnh. Có trường hợp, người nhà hối tài xế chạy nhanh đến bệnh viện giữa lúc đường đông người. Nhưng chúng tôi chỉ chạy nhanh khi quan sát thấy thật sự an toàn cho các phương tiện đang lưu thông. Vậy là, tài xế bị “cằn nhằn”. Rồi những lần chuyển bệnh nguy kịch, thấy người thân bối rối, khóc lóc, tôi cầm lòng không được. Đổi lại, niềm vui lớn nhất của chúng tôi là sự khỏe mạnh của bệnh nhân khi được bác sĩ bảo: “Muộn vài phút thôi là không cứu được”- anh Phương kể. Với những bác tài như anh Nguyên, anh Phương, họ dường như không cần lời cám ơn hay bất kỳ sự hậu tạ nào. Điều duy nhất họ quan tâm là người được mình chuyển bệnh khi ấy bây giờ ra sao...
“Hai lần ba tôi bị tai biến cũng nhờ anh Phương chuyển bệnh kịp thời mà được bác sĩ cứu sống đến bây giờ. Chúng tôi từng có ý định “hậu tạ” anh Phương nhưng bị từ chối. Gia đình tôi biết ơn anh Phương về nghĩa cử cao đẹp đó!” - anh Lê Quốc Trung (sinh năm 1983, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Khánh) bộc bạch. Tin rằng những bác tài như anh Phương, anh Nguyên sẽ mãi giữ nhiệt huyết ấy để những chuyến xe nhân ái của các anh có thể mang lại niềm tin, sự sống cho nhiều người hơn.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN