Những bông hoa đẹp mùa dịch bệnh

02/04/2020 - 06:52

 - Là những người trực tiếp đóng góp công sức cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 , họ chấp nhận vất vả với một quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh và trên hết đó là những trái tim hướng tới cộng đồng.

Những bông hoa đẹp mùa dịch bệnh

Cung cấp bữa ăn cho người thuộc diện cách ly

Đưa tay lau những dòng mồ hôi ướt đẫm trên gương mặt dưới cái nắng hầm hập của buổi trưa hè, cô Nguyễn Thị Thanh Lan (Trưởng phòng Khám nhân đạo huyện Tịnh Biên, An Giang) quần quật cùng những anh, chị em trong đơn vị để chuẩn bị bữa ăn cho những người thực hiện cách ly tại đây. Trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Phòng khám nhân đạo huyện Tịnh Biên là “địa chỉ quen thuộc” cho bệnh nhân nghèo, nay cơ sở này là điểm tựa cho các cá nhân thuộc diện cách ly, nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Trong khi tâm lý của nhiều người sợ phải tiếp xúc với những cá nhân thuộc diện cách ly thì cô Thanh Lan và các tình nguyện viên vẫn chấp nhận ở “tuyến đầu” chống dịch, khi hàng ngày phải chăm lo cơm nước, điều kiện sinh hoạt cho các đối tượng này.

“Họ cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, chứ chưa phải người nhiễm Covid-19, sao lại phải kỳ thị! Với lại, chúng tôi làm vì cái tâm, vì trách nhiệm cộng đồng. Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì gian khổ sẽ dành phần ai! Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả 20 anh, chị em phục vụ tại điểm cách ly Phòng khám nhân đạo huyện Tịnh Biên đều chung một suy nghĩ như thế. Họ là những thầy thuốc nhưng đến đại dịch thì sẵn sàng vào bếp nấu ăn phục vụ mọi người. Ai cũng muốn góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh” - cô Thanh Lan chia sẻ.

Hàng ngày, vị bác sĩ về hưu 70 tuổi này đều ra vào khu cách ly thăm hỏi tình tình sức khỏe, điều kiện ăn uống của những người ở đây. Ai có nhu cầu gì, cô Thanh Lan cố gắng đáp ứng, có khi là thêm ít canh, ít rau hoặc trái cây để bữa ăn phong phú. Với mức hỗ trợ của địa phương là 57.000 đồng/người/ngày, đội ngũ phục vụ phải tính toán sao cho đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe của những người thuộc diện cách ly. Qua cách thăm hỏi, trò chuyện giữa đội ngũ phục vụ với người cách ly, chúng tôi cảm thấy họ gần gũi như bà con thân tộc.

Không chỉ điểm cách ly tại Phòng khám nhân đạo Tịnh Biên, mà các điểm còn lại ở huyện biên giới này là Nhà khách Biên phòng và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên vẫn đảm bảo mọi điều kiện sinh hoạt, ăn nghỉ và sức khỏe cho những người phải “tạm xa” cộng đồng 14 ngày.

Những người cách ly được kiểm tra y tế mỗi ngày 2 lần và thực hiện đầy đủ các yêu cầu về việc đeo khẩu trang, giữ gìn khoảng cách trong sinh hoạt. Họ khá thoải mái bởi đã ở ngay trên quê hương mình và được sống trong sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng sự tận tâm của những người mà trước đây chưa từng quen biết.

Anh Mách Du Số (một người cách ly tại Phòng khám nhân đạo huyện Tịnh Biên) cảm kích: “Điều kiện ăn ở nơi này khá tốt. Vui nhất là chúng tôi nhận được sự đối xử rất hòa đồng, không kỳ thị như những gì đã nghĩ trước khi vào khu cách ly. Thấy những người phục vụ ở đây vất vả, bản thân tôi rất áy náy, vì mình mà để anh, chị em cực khổ. Khi được về nhà, tôi sẽ nói với bà con người Chăm trong xóm hãy cùng nhau chung tay chống dịch bệnh Covid-19, bởi mình đã thấy rõ sự vất vả của chính quyền và ngành chức năng trong nỗ lực bảo vệ an toàn cho người dân trước dịch bệnh nguy hiểm này”.

Cũng là người trực tiếp chống dịch, trung úy Đỗ Việt Nhựt (Công an thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên) đã tham gia bảo vệ điểm cách ly Phòng khám nhân đạo huyện Tịnh Biên từ nhiều ngày nay. Nhiệm vụ của tổ trực là đảm bảo an toàn, quản lý nhân sự ra vào khu cách ly thật nghiêm ngặt, không để xảy ra bất cứ tình huống phát sinh nào.

Tổ trực của trung úy Nhựt có 8 đồng chí, gồm: công an, quân sự và bảo vệ dân phố, ai cũng có gia đình và cuộc sống riêng, nhưng khi đại dịch hoành hành thì các anh phải đặt nhiệm vụ lên trên hết. Họ ăn những suất cơm giống hệt như người cách ly. Nếu mệt mỏi thì thay phiên nhau ngả lưng tạm trên những chiếc võng mắc dã chiến. Ngày cũng như đêm, những chiếc sĩ lực lượng vũ trang này cứ âm thầm làm nhiệm vụ, âm thầm cống hiến.

Đôi mắt đỏ hoe vì thiếu ngủ, trung úy Đỗ Việt Nhựt tâm sự: “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Tôi chỉ mong tỉnh mình không có bất cứ cas nhiễm bệnh nào để người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Mong người dân đừng quá lo lắng cũng như đừng nghĩ rằng có khu cách ly tại địa phương là có trường hợp nhiễm bệnh. Bà con có đến hỏi thăm thì chúng tôi cũng tranh thủ tuyên truyền để họ hiểu rõ hơn về tác hại, cũng như cách phòng bệnh, đồng thời giải thích rõ mục đích của việc cách ly là để đảm bảo an toàn cho mọi người!”.

Có lẽ, sẽ không có bông hoa nào xứng đáng với sự hy sinh, đóng góp của những y, bác sĩ, lực lượng vũ trang hay những tình nguyện viên đang ngày đêm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhưng chúng ta có thể hành động vì họ khi thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, cũng như hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. Và trước những sự cống hiến âm thầm mà cao đẹp kia, có khi nào chúng ta tự hỏi rằng: “Mình đã làm gì cho Tổ quốc chưa?”.  

                        THANH TIẾN