Những định hướng cho công tác phi chính phủ tại Việt Nam

29/03/2021 - 02:37

 - Năm 2020, công tác của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam chịu nhiều tác động bởi tình hình khó khăn chung của thế giới và trong nước, đặc biệt là tác động mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh đó, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cơ quan liên quan đã chủ động, linh hoạt đổi mới phương thức phù hợp, tổ chức tốt các hoạt động, bảo đảm yêu cầu và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào an sinh xã hội và phát triển kinh tế đất nước.

Triển khai trực tuyến toàn quốc công tác phi chính phủ năm 2021

Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hoạt động viện trợ nhân đạo và phát triển của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều chương trình, kế hoạch, hoạt động bị điều chỉnh, thay đổi. Các chuyên gia, cán bộ nước ngoài gặp khó khăn trong việc xuất, nhập cảnh và đi lại do phải tuân thủ quy định cách ly. Do vậy, tiến độ các chương trình, dự án bị chậm, phải kéo dài thời gian thực hiện. Năm 2020, chỉ có 221 đoàn của các tổ chức vào Việt Nam, có 112/227 phần việc chậm tiến độ, làm giảm tiến độ giải ngân nguồn vốn viện trợ chỉ còn 71%.

Năm qua, giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam đạt hơn 220,7 triệu USD. Trong đó, viện trợ phi chính phủ nước ngoài từ khu vực Châu Âu chiếm 41,3%, Bắc Mỹ chiếm 36,2%, Châu Á chiếm 22,5%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, như: y tế, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt trong năm 2020, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã dành sự ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam ứng phó thiên tai, dịch bệnh. 115 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã hỗ trợ tiền mặt, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, đào tạo, tập huấn trị giá hơn 6,5 triệu USD để ứng phó với dịch bệnh COVID-19; hỗ trợ các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt với giá trị gần 9 triệu USD.

Hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong năm qua đã giúp giải quyết được một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhu cầu viện trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả do thiên tai, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng hưởng lợi dự án, hỗ trợ các mô hình, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế, giới thiệu hình ảnh của Việt Nam với các nhà tài trợ nước ngoài, nhất là những kết quả mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Định hướng cho công tác phi chính phủ nước ngoài trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Phan Anh Sơn đề nghị các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, bộ, ngành, địa phương cần duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, trong công tác quản lý cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác phi chính phủ nước ngoài, tăng cường hiệu quả quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động vi phạm. Các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy trong công tác phi chính phủ nước ngoài. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan và địa phương; kiểm tra, giám sát, theo dõi xu hướng, chuyển đổi mục tiêu viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Trong công tác vận động, cần đẩy mạnh triển khai chương trình quốc gia, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ bộ, ngành địa phương thực hiện; đa dạng hóa nguồn viện trợ, mở rộng đối tượng và phương thức vận động; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, đối ngoại nhân dân.

NGỌC GIANG