Những khởi đầu khác biệt

26/08/2021 - 06:08

 - Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV đã khép lại vào cuối tháng 7-2021, nhưng mở ra nhiều kỳ vọng, niềm tin, quyết tâm chính trị cho nhiệm kỳ mới. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cách làm việc của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) địa phương cũng thay đổi linh hoạt, phù hợp thực tế.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chúc mừng đồng chí Võ Thị Ánh Xuân đắc cử Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong thời gian diễn ra kỳ họp

Những quyết sách quan trọng

Theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Hương, tại kỳ họp mở đầu này, Quốc hội và các cơ quan Trung ương đã làm việc liên tục, ngoài giờ, không có ngày nghỉ để hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với chất lượng tốt nhất và trong thời gian ngắn nhất, kết thúc kỳ họp sớm 3 ngày so với chương trình. Quốc hội đã bổ sung nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào nghị quyết kỳ họp, nhằm tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đây là quyết định đúng đắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước nhân dân.

Công tác tổ chức, nhân sự là nội dung trọng tâm của kỳ họp, có ý nghĩa quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước suốt cả nhiệm kỳ. Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của nhà nước (gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…); đồng thời phê chuẩn và phân công nhiệm vụ các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia các ủy ban của Quốc hội.

 Tại kỳ họp, các ĐBQH của An Giang đã phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong việc xem xét, biểu quyết các vấn đề quan trọng và trong thảo luận tại tổ. Tại các phiên thảo luận, có 18 lượt ĐBQH tỉnh tham gia góp ý (gồm: 16 ý kiến phát biểu tại tổ, 2 ý kiến phát biểu tại hội trường). Các ý kiến đều đồng tình với những giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước, phát triển liên kết vùng ĐBSCL và của tỉnh An Giang trong 5 năm tới; đề xuất Chính phủ các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, thảo luận một cách khách quan, dân chủ và cho ý kiến thẳng thắn đối với nhân sự được Quốc hội giới thiệu để bầu và phê chuẩn tại kỳ họp.

Khởi đầu bằng những đổi mới

“Khi trở thành ứng cử viên ĐBQH, tôi đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc trong mọi mặt đời sống của tỉnh. Khi được cử tri bầu, chính thức trở thành ĐBQH, tôi cảm thấy rất vinh dự, nhưng đi kèm đó là trách nhiệm lớn. Tôi chọn các vấn đề bản thân đặc biệt quan tâm, đang là trọng điểm của tỉnh, như: nông nghiệp, giao thông, du lịch, văn hóa… quyết tâm cùng Đoàn ĐBQH hỗ trợ, góp sức đưa An Giang phát triển trong thời kỳ mới. Khi tham dự kỳ họp thứ 1, ấn tượng để lại trong tôi là sự chuyên nghiệp rất cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội. Khối lượng công việc cần làm rất lớn, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng các hoạt động, tài liệu trong suốt kỳ họp được chuẩn bị tỉ mỉ, chuyên nghiệp; các ý kiến của ĐBQH được giải đáp thẳng thắn, thấu đáo. Các ĐBQH tích cực hoạt động, tự nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trước những vấn đề trọng đại của đất nước” - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chia sẻ.

Sau kỳ họp, khi trở về địa phương, theo chương trình Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức chuỗi hoạt động tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả nội dung của kỳ họp, các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp… như thường lệ. Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn ĐBQH tỉnh được phép áp dụng cách làm mới. Đó là tiếp xúc cử tri thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, với thời lượng và dung lượng cần thiết, cung cấp thông tin đến tận khóm, ấp.

Bên cạnh đó, tổ chức ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua UBMTTQVN các cấp; các vị ĐBQH tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi trực tiếp bằng văn bản qua bưu điện hoặc qua địa chỉ e-mail. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ mới, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thành lập Phòng Dân nguyện, là đầu mối thường xuyên ghi nhận ý kiến cử tri, tổng hợp và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.

Kỳ họp thứ 1 đã rất thành công, tạo tiền đề, động lực và mở ra một khởi đầu tốt đẹp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Các vị ĐBQH được kỳ vọng nêu cao trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, kịp thời hiến kế để ban hành các quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

GIA KHÁNH