Niềm tin cho chặng đường giáo dục mới

06/09/2022 - 04:44

 - Cùng với 23 triệu học sinh cả nước, sáng 5/9, hơn 400.000 học sinh của 720 trường từ bậc học mầm non, mẫu giáo đến THPT trên địa bàn tỉnh An Giang chính thức bước vào năm học mới 2022-2023. Đi cùng với đó là niềm tin, kỳ vọng, gửi gắm cho chặng đường giáo dục mới của tỉnh nhà.

Lãnh đạo tỉnh đến dự khai giảng năm học mới 2022-2023

Nhìn lại năm học đặc biệt

Trong ngày khai trường 5/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ôn lại những khó khăn “chưa có tiền lệ” trong năm học 2021-2022 do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Đồng thời, biểu dương ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) toàn tỉnh đã rất cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học; đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết thúc năm học, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 98,9% (điểm trung bình các môn thi xếp thứ 12/63 địa phương trong cả nước và đứng đầu ĐBSCL).

Điển hình như TP. Long Xuyên, nối tiếp truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc, những năm qua, địa phương chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường học, đẩy mạnh phong trào khuyến học - khuyến tài. Năm học 2021-2022 diễn ra với điều kiện hết sức đặc biệt. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tác động trực tiếp tới mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có ngành GD&ĐT. Tuy nhiên, bằng sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, đồng thời bằng sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, có thể khẳng định ngành GD&ĐT thành phố hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Qua 74 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP. Long Xuyên) là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Cô Đặng Thị Kim Phượng (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, năm học qua, 99,9% học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt, hơn 91% em học lực giỏi. Nhiều giáo viên giỏi, học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia... xuất hiện đều đặn từng năm. Đặc biệt, suốt thời gian qua, 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Trường được UBND tỉnh tặng danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối THPT cấp tỉnh”…

Tại TP. Châu Đốc, Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa đoàn kết, chung sức, đồng lòng để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022. Năm học qua, trường có trên 99% học sinh khá, giỏi và hạnh kiểm tốt; 49 học sinh và 7 dự án khoa học đạt giải cấp tỉnh. Đặc biệt, có 1 dự án đạt giải nhất cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia và được chọn thi cấp quốc tế; 3 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 40 sáng kiến được Sở GD&ĐT công nhận; trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Tương tự, năm học 2021-2022, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (huyện Thoại Sơn) đã ứng phó linh hoạt với những thay đổi thực tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao hơn năm trước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,4%. Trường có 14 học sinh giỏi cấp tỉnh, 9 sáng kiến kinh nghiệm cấp sở được công nhận… Những thành tích toàn tỉnh đạt được trong “năm học đặc biệt” cho thấy, dẫu khó khăn đến đâu, chúng ta chỉ “dừng đến trường, không dừng học”, nỗ lực vượt bậc để mang đến tri thức cho các thế hệ học sinh.

Rộn ràng ngày khai trường

Sau kỳ nghỉ lễ dài, sáng 5/9, học sinh náo nức đến trường, chuẩn bị tâm thế cho ngày khai giảng năm học 2022-2023. Tại vùng đầu nguồn TX. Tân Châu, nét nổi bật là tỷ lệ học sinh ra lớp đạt rất cao so kế hoạch. Thầy Tống Phước Điều (Trưởng phòng GD&ĐT TX. Tân Châu) cho biết, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, xã biên giới Phú Lộc, Vĩnh Xương… đã đến trường đông đủ. Cụ thể, bậc mầm non, mẫu giáo là 3.269 cháu (79,1%); tiểu học 12.583 học sinh (99,3%); THCS 9.529 học sinh (95%); THPT 5.346 học sinh (98%).

Hòa chung khí thế nhộn nhịp ngày khai trường, các địa phương khác cũng đồng loạt khai giảng năm học mới, từ 63 trường học từ bậc mầm non, mẫu giáo đến THPT và Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện đầu nguồn An Phú; 63 trường công lập (trên 29.000 học sinh, 2.020 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên) trên địa bàn huyện Thoại Sơn; hơn 40.000 học sinh các cấp học ở 71 điểm trường trên địa bàn huyện Châu Phú; 90 điểm trường trên địa bàn huyện Chợ Mới; gần 25.950 học sinh thuộc 71 điểm trường trên toàn huyện Tịnh Biên…

Từ nguồn ngân sách huyện, đầu tư của ngành giáo dục, vốn chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, 69 trường học trên địa bàn huyện Phú Tân đều đảm bảo thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cho năm học mới. Toàn huyện huy động trên 36.000 học sinh đến lớp đầu năm học.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, lễ khai giảng năm học mới được các nhà trường tổ chức trang nghiêm, ngắn gọn và tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh, giáo viên. Đồng thời, nhiều trường chào đón niềm vui đầu năm, như: Trường THCS Cần Đăng (huyện Châu Thành) đón nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia; Trường Tiểu học “D” Vĩnh Thạnh Trung và Trường Tiểu học “C” Khánh Hòa (huyện Châu Phú) được đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Trường THPT Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân) được trao bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa (TP. Châu Đốc) nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; khánh thành Trường Mẫu giáo Hoa Sen (TP. Long Xuyên); Công đoàn cơ sở Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Tri Tôn) nhận Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào công nhân viên chức, lao động, vì hoạt động công đoàn, năm học 2021-2022” của Liên đoàn Lao động tỉnh...

Để tạo điều kiện cho các học sinh đến lớp nhân ngày khai giảng, Phòng GD&ĐT, chính quyền 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chợ Mới huy động bến đò khách ngang sông hoạt động hết công suất, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh đi lại. Năm nay, thời gian nghỉ hè ngắn hơn nhiều so với mọi năm, song các điểm trường tranh thủ, khẩn trương chỉnh trang trường, lớp, dọn dẹp vệ sinh, chặt mé cây xanh trong và ngoài khuôn viên trường, tạo cảnh quan sư phạm thông thoáng, sạch - đẹp để sẵn sàng bước vào năm học mới. Không khí chuẩn bị cho ngày khai trường khá sôi động; phụ huynh, học sinh rất phấn khởi sau năm học gián đoạn do dịch bệnh.

Trong lễ khai giảng, hoạt động được chú trọng nhất là kịp thời hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… Trường THCS Trần Đại Nghĩa (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) có hơn 80% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Dự lễ khai giảng tại trường, đại tá Nguyễn Văn Lèo (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Sở GD&ĐT cùng các nhà hảo tâm đã trao tặng 2.000 quyển tập, 200 bộ sách giáo khoa, đồng phục và dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tham dự lễ khai giảng tại Trường THPT Trần Văn Thành (huyện Châu Phú), Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh Cao Hồng Hưng trao 30 triệu đồng hỗ trợ trường mua thiết bị dạy học; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy An Giang Võ Minh Hoàng trao 10 suất học bổng “Tiếp bước đến trường”, mỗi suất 1 triệu đồng. Ngoài ra, cựu học sinh các niên khóa và Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT Trần Văn Thành trao 53 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, mỗi suất 1 triệu đồng…

Kỳ vọng khởi đầu mới

Mỗi địa phương đề ra quyết tâm mới, khí thế mới cho năm học 2022-2023. Điển hình như, ngành GD&ĐT huyện Châu Thành tiếp tục phối hợp các địa phương, tập trung huy động học sinh ra lớp. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào khuyến học - khuyến tài, giúp học sinh nghèo có điều kiện đến trường…

Phát huy những kết quả đạt được, ngành GD&ĐT huyện Thoại Sơn phấn đấu xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Hay như lời quyết tâm của cô Bùi Thị Thắm (Trường THCS Trần Đại Nghĩa, huyện Tịnh Biên): “Thời đại ngày nay, dạy học không đơn thuần là cung cấp kiến thức sách vở cho học sinh, mà còn là tạo dựng kỹ năng sống cần thiết, để các em hòa nhập vào cuộc sống sôi động. Chính vì vậy, mỗi thầy cô phải thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học. Thay mặt giáo viên nhà trường, với tinh thần đoàn kết, đóng góp sức lực và trí tuệ của tập thể giáo viên, cán bộ, nhân viên cùng tất cả học sinh, chúng tôi hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Trong bức thư cuối cùng nhân dịp năm học mới (tháng 10/1968), Bác Hồ đã căn dặn ngành giáo dục cùng toàn thể học sinh, sinh viên “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Thực hiện lời dạy của Bác “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, Đảng và nhà nước luôn khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Do đó, với chủ đề “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD&ĐT”, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị năm học 2022-2023, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội địa phương tiếp tục chung tay góp sức đối với sự nghiệp GD&ĐT, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng chung mong mỏi, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: “Để đạt mục tiêu GD&ĐT trong năm học mới, các thầy cô giáo cần tiếp tục cải tiến phương pháp dạy học, đổi mới tư duy quản lý, đẩy mạnh áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Từ đó, giúp các em khám phá đam mê mới, học kỹ năng mới, cần thiết cho cuộc sống và tạo hứng thú để các em tự tìm ra nghề nghiệp theo đuổi; luôn là tấm gương sáng về đạo đức, mẫu mực trong cuộc sống và sinh hoạt để học sinh noi theo… Đối với học sinh, cần tham gia trải nghiệm sáng tạo, chủ động nghiên cứu để làm giàu thêm kinh nghiệm của bản thân; xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước nói chung và quê hương An Giang nói riêng”.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho rằng, trong “thời đại tri thức” ngày nay, thế giới đã bước qua cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới - cách mạng công nghiệp 4.0, nên việc trang bị kiến thức cho bản thân là yêu cầu tất yếu. Để học và làm việc tốt, đòi hỏi mỗi học sinh phải rèn luyện phẩm chất đạo đức và năng lực học tập. Trên hết, trước hết là học để làm người, làm công dân tốt; nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động tự học, tự nghiên cứu để làm giàu thêm kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, phấn đấu trở thành công dân tốt, vì quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

NHÓM PHÓNG VIÊN