Niềm vui vụ nếp đông xuân

16/03/2021 - 04:41

 - Lúa nếp đông xuân ở huyện Phú Tân (An Giang) đang vào giai đoạn trổ chín. Nông dân đang hối hả ra đồng trong niềm phấn khởi khó tả, bởi vụ sản xuất này trúng mùa, giá bán tương đối cao, đầu ra thuận lợi. Ở những nơi thu hoạch vụ mùa sớm, bà con đã tranh thủ vệ sinh đồng ruộng để đất được “nghỉ ngơi”.

Nắng vừa lên cao, những chiếc máy gặt đập nối đuôi “xuất quân” lần lượt di chuyển xuống các cánh đồng để chuẩn bị cho một ngày làm việc bận rộn. Tính đến nay, nông dân trên địa bàn huyện Phú Tân đã thu hoạch vụ nếp đông xuân được hơn 700ha, năng suất bình quân gần 8 tấn/ha, tập trung tại các xã: Phú Hưng, Hiệp Xương, Bình Thạnh Đông.

Giá nếp tươi được thương lái thu mua từ 5.800 - 6.250 đồng/kg, thu hoạch trà nếp đầu vụ nông dân trên các địa bàn này vô cùng lạc quan. Qua nhiều năm canh tác, đây có thể được xem là mùa vụ đầu tiên bà con nông dân xã Hiệp Xương cảm nhận được một vụ mùa vui khi nói về nếp. Xã Hiệp Xương là một trong những nơi thu hoạch lúa nếp sớm trên địa bàn huyện Phú Tân.

Nhờ xuống giống sớm theo lịch thời vụ, nên trà nếp đầu tiên ít xuất hiện sâu bệnh gây hại, thuận lợi cho giống nếp AG phát triển tốt, đạt năng suất tương đối cao. Không chỉ vậy, hầu hết bà con trong vùng đều được ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với giá cả hợp lý.

Thu hoạch nếp ở xã Hiệp Xương

Nhiều nông dân cho biết, vụ nếp này chi phí sản xuất tương đối thấp, do tình hình thời tiết thuận lợi, cây ít bị nhiễm sâu bệnh, giúp bà con tiết kiệm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, nguồn nước luôn đảm bảo dồi dào nên chi phí bơm tưới rất ít, đáp ứng nhu cầu nước tưới cuối vụ đông xuân của người dân. Vào thời điểm mực nước sông rất thấp, ngành nông nghiệp đã sớm triển khai kế hoạch nạo vét kênh, mương nội đồng, luôn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Trường (nông dân đang sản xuất nếp) nhẩm tính, so với mọi năm, năm nay từ ngày sạ đến ngày nếp làm đòng mới phải xịt trị bệnh cho cây lúa nếp, giảm được khoảng 40% chi phí. Vụ này, ruộng của ông Trường đạt năng suất trung bình 1,3 tấn/ha, lợi nhuận thu được hơn 4 triệu đồng/ha. “Các điều kiện về thời tiết thuận lợi là 50%, kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất của nông dân là 50% nữa, vụ này, nếp trúng mùa lại thêm trúng giá, thành ra được niềm vui nhân đôi” - ông Trường vui vẻ chia sẻ.

Nông dân Nguyễn Văn Bình (người trồng nếp) tiếp lời, vụ mùa này thu hoạch được hơn 1,5 tấn/ha, năng suất và giá thành đều cao hơn so với các vụ trước. Hơn nữa, vụ này nhờ có doanh nghiệp (DN) liên kết và tiêu thụ sản phẩm nên người nông dân rất phấn khởi, an tâm cho vụ sản xuất sắp tới.

Để vận động nông dân tham gia vào chuỗi liên kết với DN, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Xương Phan Văn Tông thông tin, hội tổ chức tuyên truyền để bà con thấy được khi liên kết sẽ mang đến nhiều cái lợi cho chính người nông dân, từ đó chủ động tham gia liên kết. Quan trọng hơn cả đó là, trong suốt quá trình thực hiện chuỗi liên kết, bà con phải giữ “chữ tín”, đồng thuận cao để “đầu xuôi đuôi lọt” cho những vụ mùa kế tiếp, duy trì mối quan hệ làm ăn lâu dài với DN. Qua công tác tuyên truyền, bà con đăng ký liên kết tiêu thụ với DN 800ha/500ha, đạt 160% so kế hoạch của UBND xã.

Ở thời điểm thỏa thuận giữa tổ chức hội nông dân, nông dân và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, giá bao tiêu thu mua trà nếp đầu vụ được “chốt” là 6.200 đồng/kg (cao hơn giá thị trường khoảng 100 đồng). Thời điểm hiện nay, giá thương lái thu mua còn 5.700 đồng/kg, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời giữ “chữ tín” với bà con nông dân, bao tiêu hết sản phẩm của người nông dân, nhờ đó bà con nông dân thể hiện được sự tin tưởng vào DN và sẵn sàng vận động các vùng khác tham gia liên kết vụ tiếp theo.

Vụ đông xuân 2020-2021, toàn huyện Phú Tân xuống giống 23.000ha lúa - nếp, đến nay có tổng diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa - nếp hơn 3.450ha, tăng 910ha so vụ đông xuân 2019-2020. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất và tiêu thụ tổng diện tích trên 2.544ha, gồm 1.820ha với 8 hợp tác xã, còn lại với các tổ hợp tác. Ngoài ra, còn có 3 DN và 1 cá nhân ký kết tiêu thụ nếp với tổng diện tích 910ha.

Với đặc thù là vùng chuyên canh nếp, những năm qua, các ngành chuyên môn của huyện Phú Tân đã tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cây nếp trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân phối hợp các hợp tác xã trên địa bàn tham gia chuỗi liên kết nhằm tiêu thụ nông sản với các công ty, DN để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

MỸ HẠNH