Nổ lớn nhằm vào tàu dầu Iran gần một hải cảng Saudi Arabia

11/10/2019 - 14:11

Truyền thông khu vực đưa tin, ngày 11-10, một vụ nổ lớn đã xảy ra đối với tàu chở dầu của Iran đang hoạt động gần cảng Jeddah của Saudi Arabia, khiến lượng lớn dầu chảy ra Biển Đỏ.


Tàu chở dầu Sinopa của Iran ở ngoài khơi Saudi Arabia. Ảnh: Mirror

Thông tin ban đầu cho biết các chuyên gia nhận định đây có thể là một vụ tấn công khủng bố.

Trong khi đó, theo truyền thông nhà nước Iran, tàu chở dầu Sinopa của nước này dường như đã bị "tấn công khủng bố".

Vụ nổ lớn, gây đám cháy dữ dội, xảy ra trên tàu Sinopa thuộc sở hữu của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran. Vụ việc diễn ra khi con tàu này hoạt động cách cảng Jeddah của Saudi Arabia khoảng 60 hải lý về phía Tây Nam. Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran nghi ngờ con tàu đã bị trúng hai quả tên lửa, song thông tin này chưa được kiểm chứng.

Hãng thông tấn Fars của Iran cho biết thêm một lượng dầu lớn đã tràn ra Biển Đỏ sau khi hai bể chứa lớn trên tàu bị hư hại.


Địa điểm tàu dầu Iran nổ cách cảng Jeddah của Saudi Arabia khoảng 60 hải lý. Ảnh: Al Jazeera

Vụ việc làm dấy lên quan ngại trong bối cảnh thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc liên quan tới các tàu chở dầu Iran, cũng như vụ tấn công các nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco ở miền Đông Saudi Arabia, dẫn tới tranh cãi và căng thẳng trong khu vực.

Vụ việc mới nhất này xảy ra sau khi Mỹ cáo buộc Iran tấn công các tàu chở dầu gần Eo biển Hormuz, song Tehran cương quyết bác bỏ.


Tàu Hải quân Hoàng gia Anh tuần tra gần tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar ngày 4/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hồi tháng 7, tranh cãi đã bùng phát giữa Anh và Iran liên quan tới tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Quan hệ song phương leo thang căng thẳng sau khi lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh ngày 4-7 bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 do nghi ngờ tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Tehran đã tạo ra "một tiền lệ nguy hiểm và phải chấm dứt ngay". Ông Zarif nêu rõ: "Iran không phải là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), cũng không phải là mục tiêu của bất cứ lệnh cấm vận dầu mỏ nào của châu Âu". Ông nhấn mạnh việc Anh bắt giữ trái phép một tàu chở dầu Iran rõ ràng là hành động "cướp biển" và cần phải chấm dứt ngay.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cũng tuyên bố động thái của Anh bắt giữ tàu chở dầu Iran tại vùng lãnh thổ Gibraltar (thuộc Anh) là một hành động đe dọa không thể dung thứ.

Cuối tháng 7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh tại Eo biển Hormuz với cáo buộc vi phạm luật biển quốc tế. Động thái này được xem là nhằm trả đũa việc Anh bắt tàu chở dầu Grace 1, về sau khi được thả đã đổi tên thành Adrian Darya, của Iran ở ngoài khơi Gibraltar. 


Tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh ở gần Eo biển Hormuz, Iran ngày 21-7-2019. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, nguy cơ bùng phát căng thẳng và đối đầu tại Eo biển Hormuz và Vùng Vịnh cũng bùng phát hồi giữa năm nay sau khi liên tiếp các tàu chở dầu bị tấn công.

Trung tuần tháng 5, bốn tàu chở dầu, trong đó có 2 tàu treo cờ của Saudi Arabia, 1 tàu treo cờ Na Uy, 1 tàu treo cờ Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã bị tấn công gần khu vực Fujairah của UAE, khu vực nằm ngay bên ngoài Eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển dầu và khí đốt quan trọng của thế giới.

Theo THANH TUẤN (Báo Tin tức)