Thầy thuốc đông y nỗ lực nghiên cứu thuốc chữa bệnh cho nhân dân
Theo Hội Đông Y huyện giai đoạn 2008 - 2013, Huyện hội chỉ có 13 hội đông y xã, thị trấn, sau phát triển 50 chi hội ấp trên tổng số 64 ấp của toàn huyện, với 3 lương y và 47 thầy thuốc trị bệnh theo kinh nghiệm gia truyền. Tổng số hội viên thời điểm bấy giờ chỉ 344 người.
Đến giai đoạn 2013 - 2018, đã phát triển phủ khắp 64/64 chi hội khóm, ấp, với 9 lương y, 7 y sĩ y học cổ truyền và 196 thầy thuốc trị bệnh theo kinh nghiệm gia truyền. Hầu hết các thầy thuốc đã được học qua lớp sơ cấp 6 tháng. Có 13 phòng chẩn trị y học cổ truyền xã, 13 trạm y tế có phòng y học cổ truyền; các ấp có phòng chẩn trị, đội sưu tầm và sơ chế. Số hội viên tham gia ngày càng đông, với 470 người.
Từ năm 2018 đến nay, có 63/63 ấp có chi hội, có 11 lương y, 24 y sĩ y học cổ truyền, với 843 hội viên. Hệ thống phòng chẩn trị của các cấp hội ngày càng tăng với 36 phòng chẩn trị (1 phòng chẩn trị huyện, 13 phòng chẩn trị xã, 22 phòng chẩn trị ấp) và 13 phòng khám y học cổ truyền tại trạm y tế xã, thị trấn.
ThS.BS Trần Quang Thảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, Hội Đông y huyện Châu Thành là một trong những điển hình tiên tiến, có nhiều đóng góp vào sự phát triển nền đông y và Hội Đông y tỉnh trong tình hình mới. Những năm qua, Hội Đông y huyện đã phát triển mạng lưới tổ chức hội cơ sở ngày càng vững mạnh, phát triển các chi hội khóm, ấp đạt 100% khóm, ấp trong huyện.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tay nghề, giáo dục đạo đức cho cán bộ, hội viên được chú trọng, tạo nguồn nhân lực bổ sung, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có 232 học viên tham gia bồi dưỡng tập huấn chuyên đề về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sinh hoạt Điều lệ hội và “9 điều y huấn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác”.
Công tác kế thừa, ứng dụng đông y, như: Thu thập được nhiều bài thuốc có giá trị, đẩy mạnh sưu tầm, nuôi trồng, khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu, tham gia hướng dẫn trồng và bảo tồn một số cây thuốc quý hiếm có giá trị kinh tế cao được thực hiện hiệu quả. Với 91 hội viên tham gia viết bài thuốc tâm đắc, tham gia các hội thảo khoa học, nghiên cứu ứng dụng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đông y và kết hợp giữa đông y với y học hiện đại do Hội Đông y tỉnh tổ chức…
ThS.BS Trần Quang Thảo, Hội Đông y huyện Châu Thành nói riêng và các hội đông y trong tỉnh nói chung cần xây dựng hội đông y “vững về chính trị, đẹp về y đức, giỏi về chuyên môn, mạnh về tổ chức”. Các cấp hội cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hội đông y, chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động hội, phát triển hội viên, nhất là ở cấp cơ sở. Các tổ chức thành viên các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, bao gồm việc củng cố tổ chức, phát triển hội viên, phát triển mạng lưới cho hội đông y khóm, ấp.
Đồng thời, khuyến khích hội viên tham gia chương trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn sâu của các trường, viện có uy tín để đáp ứng nhu cầu xã hội về khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền. Tổ chức dạy nghề, truyền nghề y học cổ truyền tạo lực lượng kế thừa có tâm, có tầm và có tài.
Cùng với đó, đẩy mạnh sưu tầm dược liệu, chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức tôn giáo đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập hợp và quy hoạch bảo tồn nguồn quỹ gen các cây, con làm thuốc, đặc biệt những cây, con quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Nghiên cứu quy trình sản xuất thuốc, từng bước ứng dụng khoa học - công nghệ trong chế biến, sản xuất thuốc, tạo nhiều thuốc thành phẩm chữa bệnh hiệu quả cao, nhưng vẫn giữ được tính đặc thù của đông y.
NGỌC GIANG