Noi gương “Người đi mở cõi”, Thoại Sơn hướng đến tương lai!

21/04/2021 - 03:32

 - Lễ hội văn hóa truyền thống được huyện Thoại Sơn (An Giang) tổ chức hàng năm không chỉ phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn tôn vinh công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu và các bậc tiền nhân đã có công khai mở vùng đất Thoại Sơn. Noi gương người xưa đi mở cõi, thế hệ Thoại Sơn hôm nay quyết tâm nối tiếp truyền thống hào hùng, tinh thần bất khuất, vươn lên mọi khó khăn để xây dựng quê hương giàu đẹp.

Theo sử sách, mùa xuân năm Mậu Dần 1818, được sự chuẩn tấu của vua, cụ Thoại đã chiêu tập dân binh, phát lệnh đào kênh. Hơn 1.500 nhân binh tích cực làm việc, luân phiên đào kênh dưới sự chỉ huy của danh tướng Thoại Ngọc Hầu. Qua 1 tháng đào lắp, với việc nạo vét cát bùn, mở rộng rạch cùng Lạc Dục (từ Ba Bần vào núi Sập), từ đó mới đào thẳng hướng núi Sập - Kiên Giang mà hình thành kênh mới.

Con kênh dài hơn 30km, nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá) nghiễm nhiên trở thành con sông to, tấp nập ghe thuyền. Vị tướng của dân được triều đình khen ngợi và ban dụ cho lấy tên tước Thoại Ngọc Hầu đặt tên con kênh là Thoại Hà và núi Sập thành Thoại Sơn. Đến năm 1822, Thoại Ngọc Hầu long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Ngôi làng năm ấy giờ đã phát triển văn minh, sầm uất với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội (KTXH).

Trong Nam Kỳ phong tục diễn ca (1909) của Nguyễn Liên Phong, có đoạn thơ nói về con kênh này như sau: “Đời Gia Long thập thất niên/ Ông Bảo hộ Thoại phụng truyền chỉ sai/ Đào kinh Lạc Dục rất dài/ Ngang qua núi Sập trong ngoài giao thông/ Rồi vừa một tháng nhơn công/ Giáp vô Rạch Giá thương nông đều nhờ”. Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn được diễn ra hàng năm với lòng thành kính của người dân đất Thoại, khắc ghi công đức danh thần Thoại Ngọc Hầu cũng như các bậc tiền hiền đã có công khai mở cõi. Năm nay, lễ hội được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang với chủ đề “Di sản truyền thống - Thoại Sơn hướng đến tương lai”.

Đình Thoại Ngọc Hầu và bia đá Thoại Sơn vinh dự đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2019

“Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, như: đánh trống khai hội, đọc chúc văn ca ngợi công đức danh thần Thoại Ngọc Hầu; biểu diễn sân khấu hóa được dàn dựng công phu. Hoạt động nhằm tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), biết ơn công đức to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Với tinh thần vui tươi lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, lễ hội diễn ra từ ngày 21 đến 23-3 (nhằm mùng 10 đến 12-3 âm lịch). Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XX-2021 sẽ đón nhận quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, du lịch trước, trong và sau lễ hội, bao gồm các hoạt động thông tin tuyên truyền, triển lãm, hội thi; tổ chức các giải thi đấu thể thao ở những địa bàn có điều kiện về cơ sở vật chất; các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch Thoại Sơn...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Ngọc Điệp cho biết.

Với kỳ tích đào kênh Thoại Hà và dựng bia, lập làng Thoại Sơn từ 200 năm trước, đây là những di sản vô giá mà Thoại Ngọc Hầu đã để lại cho các thế hệ đời sau kế tục và xây dựng quê hương Thoại Sơn ngày càng phát triển giàu đẹp. Thoại Sơn được tái lập cách đây hơn 40 năm (23-8-1979). Được hun đúc từ truyền thống hào hùng của cha ông, mỗi giai đoạn lịch sử đi qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn có bước tiến mới rất đáng tự hào.

Những năm gần đây, Thoại Sơn trở thành ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh An Giang. Với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Thoại Sơn đã tăng tốc xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, đã hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu sớm hơn so với lộ trình của tỉnh đề ra.

Năm 2020, dưới sự tập trung lãnh đạo của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, điều hành của UBND huyện đã tăng cường thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, chỉnh trang nâng cấp mở rộng không gian đô thị; thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là huyện đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025; tổ chức Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận 8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2020; khánh thành quảng trường Thoại Ngọc Hầu…

Có thể nói, với sự cố gắng nỗ lực của các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị; sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân; tình hình KTXH trên địa bàn huyện trong những năm phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Thực hiện đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND huyện đề ra (trong đó có 6 chỉ tiêu vượt).

Năm 2021, là năm đầu thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021-2025), có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ. Phát huy những thành tựu đạt được, các ngành, các cấp đã xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển KTXH của huyện bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện đã đề ra.

Thoại Sơn hôm nay đang viết tiếp bản hùng ca “Người đi mở cõi”, hướng đến tương lai vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đủ đầy của nhân dân.

Nhằm đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu đến tham dự đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Người dân có thể thưởng thức lễ hội bằng việc xem truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang nhằm hạn chế tụ tập đông người, góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

 

PHƯƠNG LAN