Xuất phát từ sự đam mê, Câu lạc bộ nông dân sáng tạo kỹ thuật Nông Phú (Câu lạc bộ Nông Phú) với 12 thành viên đã cho ra đời những sản phẩm phục vụ tốt nhu cầu lao động, sản xuất nông nghiệp. Các thành viên thường xuyên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, động viên, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua việc bán các sản phẩm sáng tạo. Từ đó, câu lạc bộ trở thành điểm đến lý tưởng cho những nông dân có cùng đam mê, cùng lợi ích trong hoạt động sáng tạo kỹ thuật.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc thông tin: “Những năm qua, các thành viên của Câu lạc bộ Nông Phú đã sáng tạo các loại máy, thiết bị nông nghiệp giúp nông dân giảm lao động chân tay, giải quyết tình trạng thiếu lao đông nông thôn như hiện nay. Đồng thời, các sáng kiến của họ được nông dân ứng dụng vào sản xuất, tăng năng suất, sản lượng nông sản, đủ sức cạnh tranh giá cả hàng hóa trên thị trường hiện nay”.
Một sản phẩm của Câu lạc bộ Nông Phú
Một số thành viên trong câu lạc bộ có nhiều sản phẩm được khách hàng quan tâm, như: xe chữa cháy mini; máng uống nước tự động cho bò; máy hút rầy xanh; máy cắt cỏ cải tiến cắt cây đậu bắp, cây bắp; máy cắt gốc rạ kết hợp thu lúa rơi trên ruộng của ông Nguyễn Văn Dũng; xe phun thuốc điều khiển từ xa của ông Trần Quốc Tuấn; máy thu gom rơm của ông Nguyễn Hoàng Phong; máy tưới rẫy tự động, máy cưa cây cải tiến của ông Nguyễn Văn Đậm... Họ là những nông dân với “bằng cấp trường làng”, nhưng qua quá trình lao động sản xuất, nhận thấy sự cần thiết của việc ứng dụng máy móc nên đã cho ra đời những sản phẩm hữu dụng.
Với những kết quả tích cực từ hoạt động của Câu lạc bộ Nông Phú, Hội Nông dân huyện Châu Phú sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu các sản phẩm sáng tạo kỹ thuật và triển khai các mô hình có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm sáng tạo của thành viên Câu lạc bộ Nông Phú và những mô hình có tính ứng dụng cao như: cà chua gốc ghép, mô hình trồng nấm, hệ thống tưới phun tự động…
“Điểm mới trong năm nay là có nhiều thành viên từ các nơi khác như: TP. Cần Thơ, An Phú xin gia nhập câu lạc bộ. Điều đó cho thấy hiệu quả hoạt động, cũng như tính thực tế của các sản phẩm do thành viên câu lạc bộ tạo ra. Nếu sản phẩm không mang đến hiệu quả thì không thể thu hút được sự quan tâm của nông dân ở các nơi khác. Đây là điều kiện để chúng tôi tiếp tục phát triển hoạt động của Câu lạc bộ Nông Phú thời gian tới” - ông Huỳnh Minh Ngọc cho hay.
Dù có được kết quả tốt trong hoạt động, nhưng các thành viên Câu lạc bộ Nông Phú vẫn đối mặt với những khó khăn nhất định. Do các thành viên phải bươn chải lao động hàng ngày nên việc tham gia sinh hoạt không đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, thu nhập từ việc bán các sản phẩm chưa nhiều nên hoạt động đầu tư tái sản xuất còn nhiều khó khăn, ít có sự tập trung nghiên cứu chuyên sâu. Mặt khác, các sản phẩm của thành viên câu lạc bộ thường bị cơ sở khác làm nhái với mức giá rẻ hơn, nên đã ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, sản xuất của họ.
Hướng tới, Hội Nông dân huyện Châu Phú sẽ hướng dẫn, vận động các thành viên tham gia xây dựng các điểm trình diễn, hội thảo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm và vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm kỹ thuật của Câu lạc bộ Nông Phú tại các kỳ hội chợ, hội thi sáng tạo để tạo đà phát triển cho các thành viên.
“Chúng tôi mong rằng các cấp, ngành chuyên môn sẽ tạo điều kiện để thành viên câu lạc bộ được tập huấn kỹ thuật về cơ khí và tiếp cận nguồn vốn vay nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm do thành viên câu lạc bộ chế tạo ra thị trường để họ có thu nhập và tái đầu tư sản xuất. Đặc biệt, cần hỗ trợ cho các thành viên đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo lợi ích chính đáng của họ trong thời gian tới” - ông Huỳnh Minh Ngọc đề xuất.
THANH TIẾN