Nông dân Châu Thành tất bật đón Tết

29/01/2024 - 03:42

 - Vào những ngày cận Tết, nông dân huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đang tất bật với công việc chăm sóc những chậu hoa, cây ăn trái và luống rau màu, sẵn sàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tình hình sản xuất diễn ra thuận lợi, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Đến xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành) những ngày này, không khó để bắt gặp các nông dân đang tất bật chăm sóc hoa phục vụ Tết. Toàn xã có khoảng 35 hộ canh tác khoảng 3ha hoa, trồng các loại hoa quen thuộc, như: Cúc tiger, cúc Đà Lạt, cúc pha lê, vạn thọ trong chậu và nền đất.

Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng hoa ấp Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Hanh) Trần Thị Ý cho biết, với người dân nơi đây, dịp Tết là mùa được trông đợi nhất trong năm, bởi trồng hoa Tết mang lại thu nhập ổn định. Vì thế, nhiều nhà vườn đã không ngại đầu tư, với hy vọng hoa nở đúng thời điểm, bán được giá cao.

“Trồng hoa Tết tuy cực công chăm sóc nhưng lợi nhuận mang lại cao hơn so với những ngày trong năm. Cái khó là phải canh thời tiết để xuống giống cho đúng thời điểm và xử lý ra hoa đúng dịp Tết. Nếu đạt được điều đó cộng với không bị “dội chợ”, người trồng hoa ăn Tết khỏe re” - bà Trần Thị Ý chia sẻ.

Để có hoa phục vụ người dân vào dịp Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Viết Thoại (ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hanh) tất bật chăm sóc những chậu hoa cúc pha lê và vạn thọ để nở đúng dịp Tết giao cho thương lái. Vụ Tết năm nay, anh Thoại ươm giống cung cấp khoảng 800 chậu cúc pha lê, với giá 300.000 - 2 triệu đồng/cặp, 1.200 chậu vạn thọ, với giá bán từ 50.000 - 80.000 đồng/cặp.

Theo anh Thoại, để hoa đạt chất lượng cao, bông to, dáng đẹp cần phải chăm sóc kỹ lưỡng ngay từ tháng đầu tiên xuống giống. Khi cây còn nhỏ, việc xới đất cần cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Cây hoa được chăm chút cộng thêm thời tiết tốt, nở to, đúng dịp Tết giá bán sẽ cao hơn.

“Năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên hoa phát triển tốt, nhưng giá vật tư, phân bón tăng cao hơn năm trước, trong khi giá hoa không tăng nên người trồng hoa sẽ lãi ít. Cúc thì đã được các thương lái đặt mua, riêng vạn thọ thì tôi sẽ để bán chợ, kiếm thêm thu nhập ăn Tết. Thời buổi kinh tế khó khăn, có lãi đã mừng lắm rồi” - anh Thoại chia sẻ.

Để chủ động cung ứng nguồn rau màu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, từ đầu tháng 10 (âm lịch), nông dân huyện Châu Thành đã tích cực xuống giống và chăm sóc rau màu. Đối với các loại rau lấy củ và rau ăn quả, do thời gian sinh trưởng lâu nên được trồng sớm hơn rau ăn lá. Phần lớn diện tích rau màu được trồng chuẩn bị cho vụ Tết, như: Dưa hấu, khổ qua, bắp cải, ớt, hành, dưa leo, rau cải các loại… Nhìn chung, rau màu có sức tiêu thụ mạnh từ nửa đầu tháng 12 (âm lịch) dần đến Tết Nguyên đán nên nguồn hàng được nông dân chuẩn bị sớm và luân phiên thu hoạch.

Cũng như các nông dân khác, ông Lê Quang Trung (ấp Thạnh Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành) thường xuyên thăm rẫy, nhất là chăm sóc kỹ 1 công bắp cải (1.000m2) chuẩn bị thu hoạch. Ông Trung cho biết: “Mùa này, thời tiết thuận lợi, các loại cải phát triển rất tốt, ít sâu bệnh phá hoại. Tuy nhiên, giá cả rau màu bấp bênh, phải đến cận ngày thu hoạch mới biết được giá bán. Chỉ cần bắp cải bán được giá 5.000 đồng/kg, người trồng đã có lãi, ăn Tết ngon lành”.

Anh Đặng Văn Phúc (ngụ cùng ấp Thạnh Hòa) cho biết, trồng rẫy vụ Tết rất yên tâm về năng suất, do thời tiết thuận lợi, chỉ lo đầu ra và giá bán. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng trên giàn, như: Đậu que, đậu bắp, đậu đũa, khổ qua… giá rất ít biến động, đầu ra tương đối ổn định so với những loại rau màu khác. Với 1 công đậu bắp, nếu bán được với giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, sẽ thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng/công.

“Để trồng màu trúng mùa, được giá cần phải áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kết hợp áp dụng luân canh và đa canh vào sản xuất. Ngoài ra, cần phải có kinh nghiệm trong chọn giống cây trồng phù hợp với thời tiết, mùa vụ và dự đoán thị trường tiêu thụ để tránh trường hợp trúng mùa nhưng mất giá” - anh Phúc chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Nguyễn Chí Thiện cho biết, bà con nông dân địa phương trồng rau màu quanh năm, từ 3 - 5 vụ/năm. Người thì trồng loại này, người thì trồng giống kia nên thời gian thu hoạch và xuống giống hầu như ngày nào cũng có. Đó là cách để nông dân giảm nguy cơ “được mùa, mất giá”. Diện tích trồng rau màu toàn xã Bình Thạnh hiện khoảng 140ha. Dịp Tết Nguyên đán, nông dân tranh thủ xuống giống rau màu, chủ lực là: Bắp cải, ớt, hành, dưa leo, rau cải các loại…

Để người nông dân sản xuất rau màu Tết đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình rau an toàn, sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

KHÁNH MY