
Có thế mạnh nông nghiệp, huyện Châu Thành luôn quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phương thức canh tác, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm và nhân rộng phát triển giống cây trồng, vật nuôi mới, phá vỡ thế độc canh cây lúa, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, trồng màu, cây ăn trái trong nhà kính vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa có nguồn nông sản chất lượng cung ứng cho thị trường. Tổng diện tích thu hoạch lúa vụ đông xuân 2024 - 2025 toàn huyện gần 5.550ha, năng suất bình quân đạt 7,64 tấn/ha. Diện tích chuyển đổi từ lúa sang cây màu, cây ăn trái 333ha. Trong đó, chuyển sang rau màu 311,6ha; cây ăn trái 21,6ha (lũy kế diện tích cây ăn trái 691,7ha).
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết: “Những năm qua, chúng tôi tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng hành, giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế gia đình. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đang quản lý gần 2 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện cho hội viên nông dân tăng thu nhập hàng năm từ 20 - 30 triệu đồng/hộ”. Ngoài ra, các cấp hội phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho gần 4.600 hộ vay vốn thuộc các chương trình: Hộ nghèo, cận nghèo, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm; mở rộng, phát triển SXKD, tổng số tiền trên 157 tỷ đồng. Nhìn chung, các mô hình hỗ trợ vay vốn đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” khích lệ nông dân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng. Năm qua, Hội Nông dân huyện xét công nhận 8.026 cá nhân, 22 tập thể đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi 4 cấp, đạt 124,8% so chỉ tiêu. Trong đó, 7 cá nhân cấp Trung ương; 669 cá nhân, 4 tập thể cấp tỉnh; 1.810 cá nhân, 7 tập thể cấp huyện; 5.540 cá nhân, 11 tập thể cấp xã. Các xã, thị trấn chọn được 22 mô hình tiêu biểu, 19 sản phẩm lợi thế để nhân rộng. Năm 2019, ông Bùi Minh Thắng (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) chuyển đổi 0,2ha đất từ trồng lúa sang trồng sầu riêng, hạnh, rồi tăng lên 1ha. Ngoài ra, ông mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tự động cho vườn sầu riêng. Ông Thắng cho biết: “Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, kết hợp tham quan mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả, tôi mạnh dạn ứng dụng trồng sầu riêng. Mô hình đang mang lại hiệu quả cao, gia đình tôi thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm”.
Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, gắn với khai thác tốt lợi thế địa phương. Hội Nông dân huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Đồng thời, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; nhân rộng mô hình làm ăn tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với xây dựng nông thôn mới, thực hiện an sinh xã hội.
KHÁNH MY