Nông dân hậu cách mạng xanh

19/02/2018 - 08:42

Thực ra từ hồi cổ xuý cuộc cách mạng xanh tới giờ, ông nông dân mình đã thay đổi nhiều lắm rồi: từ kỹ thuật canh tác, giống má, phân bón, thuốc sâu… Sau nửa thế kỷ, mình lôi ông nông dân ra nói ổng làm không đúng khi so với nông nghiệp 4.0.

Có bữa đi họp về “Mekong Green”, ai cũng nói nông dân phải thay đổi, ra về tôi cứ băn khoăn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nói “hậu cách mạng xanh” phải làm cho rõ ít nhất bốn cái “xanh”:

Có bữa đi họp về “Mekong Green”, ai cũng nói nông dân phải thay đổi, ra về tôi cứ băn khoăn. Ở đồng bằng sông Cửu Long, nói “hậu cách mạng xanh” phải làm cho rõ ít nhất bốn cái “xanh”:

Thứ nhất là “Sản xuất xanh”: Nông dân từng theo tiêu chí GlobalGAP, VietGAP, có người thành công, nhưng cũng từng lên bờ xuống ruộng. Nói chuyện với bà con mình, họ nói làm như GAP thiếu chữ N(GAP).

Thứ hai là “Chế biến xanh”: Đâu có gì lo khi quy trình đã có doanh nghiệp chịu trách nhiệm, vấn đề là chế biến kiểu nào? Làm sao cho nhà máy không phải lên bờ xuống ruộng, vì không đủ nguyên liệu đủ chuẩn để làm.

Thứ ba là “Xuất xứ xanh”: Ai cũng chỉ nghĩ ngay tới truy xuất người sản xuất, nhưng lại không để ý tới điều người mua muốn nhấn mạnh là chuỗi, vùng miền, tính hợp pháp (thẻ vàng EU). Cái đó, bà nội trợ biết lâu rồi. Ra chợ người ta nói cá này là cá đồng, cao giá nhờ gắn xuất xứ đồng vô đó, rau này rau rừng, mắc hơn vì là loại tự nhiên, hột vịt chạy đồng bán giá khác; gà công nghiệp và gà thả vườn bán giá khác.

Xuất xứ hàng hoá đối với người dân không có lạ, nhưng ai là người giữ xuất xứ hàng hoá khi người ta chỉ cần lên mạng gõ sẽ thấy Việt Nam là nước sử dụng thuốc sát trùng thấy ngán. Cái đó trong tay nhà nước, trách nhiệm của nhà nước.

Gạo mình bán rẻ hơn Campuchia, họ đâu có cánh đồng lớn, tại sao người ta ưa chuộng vì người dùng nghĩ nó chưa thâm canh. Bây giờ nói nông dân phải thay đổi trong khi kỹ thuật canh tác, thuốc sát trùng, phân bón từ cuộc cổ xuý non nửa thế kỷ; để có sản lượng khiến đất, nước nhiễm độc, sinh thái không có chính sách bảo vệ, thực thi nghiêm túc, liệu có công bằng không?

Thứ tư là “Bữa ăn xanh”: Người mình có tiêu chí ngon, bổ, rẻ; có người nói phải thêm tiêu chuẩn sạch.

Ngày xưa ông bà nói nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm, chứng tỏ người xưa coi sạch là chuyện đương nhiên. Bây giờ tại sao mình đưa GAP vô mà sức phát triển vẫn èo uột, là vì không đáp ứng tiêu chuẩn ngon. Nhớ ngày nào, người ta kỳ vọng cái tủ lạnh giải phóng sức lao động phụ nữ, đi chợ một lần xài cả tuần, nhưng có tủ lạnh rồi lại thấy đồ để trong tủ lạnh, để ngăn đá đâu có ngon hơn đồ tươi. Dù giữ được tiêu chí sạch nhưng chưa chắc giữ được tiêu chí ngon.

Còn làm organic bây giờ giá không rẻ, ngày xưa làm theo tự nhiên, hữu cơ đâu có gì mắc. Thử hình dung ngày xưa, có phải tự nhiên luôn là nhà cung cấp hàng tự nhiên, lành sạch cho lực lượng kháng chiến ở miền Tây dù bom đạn ác liệt? Khi mình nói làm sao có được bữa ăn xanh, làm được bốn cái xanh với một anh có tâm huyết với đồng bằng rằng về việc giảm nhập hoá chất độc hại, coi như ưu tiên hành động vì cái xanh; đừng đổ công nghệ bẩn vô đây nữa…

Ảnh nói chuyện đó xa vời quá đi, trước mắt là phải thay đổi hành vi của ông nông dân. Tôi hình dung giống như anh dạy cho người lau nhà phải lau chỗ này, chỗ kia cho sạch, nhưng có cha nội mang dép dơ đi vòng vòng hoài, lau suốt đời!? Phải kêu cha nội đó bỏ dép ra ngoài. Đơn giản vậy mà sao cứ phải lý luận kiểu này kiểu kia.

Khi đã xác định chỗ này là trọng tâm sản xuất lương thực - thực phẩm quốc gia, thì đừng đưa công nghệ bàn vô đây nữa. Về lâu về dài muốn người ta nhìn anh tốt, nhà anh sạch cỡ nào nhưng kế bên đống rác, thì đi ngang nhìn vô là khó thiện cảm, mất giá trị của mình, phải dọn nó đi. Nhưng đúng là khó cho người trong hệ thống, muốn thay đổi cũng không dám.

Do vậy, mình cứ phải vật lộn với hệ thống, cuối cùng thì chỉ tính loanh quanh thu nhập là dễ nghe, dễ thuyết phục nhất. Mà thu nhập có nhiều kiểu, thời thế, cầu may, êm xuôi là chuyện hay gắn với dựa dẫm, mê tín. Xã hội lẫn lộn mê tín và văn hoá, thế hệ sau không thấy cốt lõi xã hội, chiều sâu, tinh tế của người đi trước nên sống bằng bề nổi, hào nhoáng bên ngoài, chứ không giữ nét văn hoá “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.

Theo Thế Giới Tiếp Thị