Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú Huỳnh Thanh Phong, giai đoạn 2022 - 2024, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi.
Từ đó, phong trào luôn nhận được sự ủng hộ tích cực từ hội viên, nông dân huyện nhà. Thời gian qua, toàn huyện có 6.272 nông dân SXKD giỏi các cấp. Trong đó, 12 nông dân giỏi cấp Trung ương, 905 nông dân giỏi cấp tỉnh, 1.761 nông dân giỏi cấp huyện và 3.500 nông dân giỏi cấp xã.
Với truyền thống cần cù, sáng tạo và ý chí vươn lên, nông dân huyện An Phú mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh đầu tư SXKD với nhiều mô hình hiệu quả, cho thu nhập cao. Trong đó, 2.239 nông dân đạt doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng/năm; 1.952 nông dân có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm; 448 nông dân thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm… Đây cũng là lực lượng tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội tại địa phương (trên 40 tỷ đồng).
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã tạo điều kiện để những mô hình hiệu quả xuất hiện, như: Mô hình trồng lúa không phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Vĩnh Lộc; mô hình ươm cây giống trong nhà màng, tổ hợp tác trồng xoài keo có liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Quốc Thái; mô hình trồng dừa xiêm lùn tại xã Phú Hữu…
Nông dân huyện An Phú nỗ lực sản xuất – kinh doanh giỏi, làm giàu trên quê hương mình
Thực hiện mô hình trồng xoài sử dụng hệ thống tưới phun sương cục bộ, anh Đoàn Phi Long (ngụ xã Khánh An) đã giảm thiểu chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận. Ngoài ra, anh Long còn trồng xoài keo theo tiêu chuẩn an toàn, với mục tiêu tham gia vào hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị mà UBND huyện An Phú đang hướng tới.
Đồng thời, nông dân Phi Long cũng đề xuất ngành nông nghiệp, Hội Nông dân huyện tăng cường hỗ trợ kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng trái xoài; tích cực kết nối, giúp nông dân có đầu ra ổn định; xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển các vùng chuyên canh xoài để nông dân sản xuất thuận lợi hơn.
Từ những kết quả đạt được trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tăng cường hỗ trợ nông dân tham gia hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, giúp nông dân giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2026, Hội Nông dân huyện phấn đấu mỗi năm có từ 60% hộ nông dân trở lên đăng ký tham gia phong trào; từ 50% hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả, do hội nông dân tổ chức vận động thực hiện; triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Đến dự và chỉ đạo Đại hội Tuyên dương nông dân SXKD giỏi huyện An Phú giai đoạn 2022 - 2024, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Lê Phước Dũng đánh giá cao nỗ lực của Hội Nông dân huyện và các xã, thị trấn. Đồng thời, nhấn mạnh việc đổi mới hình thức tổ chức tuyên dương nông dân SXKD giỏi gắn với tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu của Hội Nông dân huyện là bước đi hợp lý, giúp nông dân học hỏi nhiều kinh nghiệm.
Ông Lê Phước Dũng yêu cầu Hội Nông dân huyện An Phú đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hội nông dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng nông dân SXKD giỏi trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động nông thôn và công tác an sinh xã hội tại địa phương. Tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tham gia thực hiện tốt Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), cũng như hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tiếp cận thị trường; tăng cường hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng quy mô sản xuất.
Đặc biệt, chú trọng phối hợp vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện “Đề án 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, giúp nông dân huyện đầu nguồn nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu trên quê hương mình.
MINH QUÂN