Cơ hội và thách thức
Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế còn góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tranh thủ được nguồn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý và các nguồn lực quan trọng khác. Đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm; nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Nông dân chủ động liên kết sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu để tham gia các chuỗi giá trị
Đối với tỉnh An Giang, hội nhập quốc tế mang đến cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa, đặc biệt là nông sản; tạo điều kiện cho tỉnh tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và thế giới, đặc biệt đối với sản phẩm ưu thế, như: Lúa gạo, cá tra, cây ăn trái, rau màu… Từ đó, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, trình độ người lao động, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên đánh giá, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nông sản, hàng hóa của nông dân có cơ hội được tiếp cận với thị trường nước ngoài. Đồng thời, giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư và xuất khẩu, cải thiện cơ cấu thị trường. Mặt khác, hoạt động này mang đến không ít những thách thức, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp An Giang chưa thực sự phát triển, sản xuất còn manh mún, chất lượng, sức cạnh tranh thấp…
Theo ông Nhiên, các ưu đãi từ hội nhập tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài chuyển dịch nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Với tiềm lực về vốn và năng lực sản xuất, các DN nước ngoài sẽ gây áp lực cạnh tranh với các DN nông nghiệp trong nước. Mặt khác, nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Đồng thời, đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu với những yêu cầu khắt khe. Từ chất lượng, an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cho đến thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội…
Được thành lập năm 2005, trên cơ sở hợp nhất 3 hợp tác xã (HTX): Đức Lộc, Phú Cường và Trường Thạnh, HTX Phú Thạnh từ 153 thành viên ban đầu, đến nay đã nâng lên 389 thành viên, quản lý 1.700ha đất lúa. Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX Trần Văn Lô Ba cho biết, HTX hoạt động với các dịch vụ: Bơm tưới tiêu, nạo vét kênh mương bằng cơ giới (Kobe), cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm, thu gom rơm, kinh doanh lúa giống, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn an toàn, kinh doanh gạo lúa- nếp sạch...
Hiện nay, HTX đang liên kết - tiêu thụ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Liên minh Châu Âu (EU). Đơn vị cũng tìm kiếm các công ty, DN, như: Công ty TNHH MTV NanoTech Đồng Tháp, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường (tỉnh Bạc Liêu) để đảm bảo đầu ra cho hội viên.
Hỗ trợ nông dân hội nhập
Trước bối cảnh hội nhập toàn cầu, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân trong việc phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền về thông tin đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ, hội viên, nông dân nhằm nâng cao nhận thức về tình hình trong nước, quốc tế. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực của nông dân theo hướng “tri thức hóa nông dân”. Từ đó, giúp nông dân làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác
Hội Nông dân tỉnh còn tập trung vận động các nguồn lực, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu để nông dân nhân rộng. Chú trọng bồi dưỡng nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi là chủ trang trại, gia trại “khởi nghiệp”, thành lập DN, HTX, tổ hợp tác, góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành đưa sản phẩm nông nghiệp của các hộ kinh doanh, HTX, tổ hợp tác lên sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, trao đổi, mua bán sản phẩm nông sản…
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh An Giang còn chủ động kết nối với các tổ chức quốc tế, Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ, xây dựng các dự án hỗ trợ nông dân thoát nghèo. Trong đó có thể kể đến, như: Dự án nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt; dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường; dự án thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tỉnh An Giang, năm 2023 - 2026; dự án quỹ toàn cầu phòng, chống lao. Các dự án đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất và chăm sóc sức khỏe cho người dân…
Hỗ trợ nông dân tham gia học tập kinh nghiệm tại các vùng sản xuất chuyên canh
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ hội các cấp về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế; quảng bá hình ảnh quê hương, con người, nông sản hàng hóa và tổ chức hội nông dân với bạn bè trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, DN tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Triển khai, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ mới theo chuỗi giá trị đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng, như: VietGAP, GlobalGAP…
Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tăng cường vận động, kết nối DN để nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình “Cánh đồng lớn” để xây dựng chuỗi giá trị; triển khai việc quảng bá, xây dựng thương hiệu lúa gạo An Giang. Tiếp tục phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các đề án: “Tuyên truyền cho nông dân có ý thức vươn lên tích lũy, làm giàu chính đáng giai đoạn 2022 - 2030”; xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu và mua, bán sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh, huyện. Tổ chức đưa cán bộ, hội viên nông dân đi nghiên cứu, học tập các mô hình hiệu quả trong sản xuất và thương mại nông nghiệp trong, ngoài nước...
ĐỨC TOÀN