Cô nông dân 9X
Với những ND canh tác theo kiểu truyền thống, dưa lưới là giống cây trồng hoàn toàn xa lạ, mới được ngành chuyên môn trồng thí điểm. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Diệu Thu (ngụ xã An Phú, Tịnh Biên) sớm tiếp cận với loại cây trồng này, dù bản thân trước đó chưa hề biết gì về dưa lưới.
Chị Diệu Thu cho biết: “Vợ chồng tôi xem truyền hình, thấy người ta trồng dưa lưới nên quyết định trồng thử. Loại này rất khó trồng, đòi hỏi điều kiện canh tác hiện đại và ứng dụng nhiều công nghệ mới. Do đó, tôi liên hệ Công ty Giải pháp xanh (TP. Hồ Chí Minh) nhập vật liệu từ Israel để xây dựng khu nhà màng có diện tích 150m2 với chi phí khoảng 250 triệu đồng. Dù chi phí cao nhưng tôi quyết định thực hiện bởi “mê” mô hình này”.
Thời điểm chúng tôi ghé thăm, 400 cây dưa lưới của chị Thu đang cho rất nhiều trái. Chị Diệu Thu cho biết chị đang canh tác 2 giống dưa Taki (dưa xanh ruột vàng) và chu phấn. Hiện tại, siêu thị Tứ Sơn đã bao tiêu sản phẩm cho chị Thu với mức giá dao động 40.000 đồng/kg.
“Do lần đầu tiên canh tác dưa lưới nên không thu được lãi cao như mong đợi bởi nguồn dinh dưỡng sử dụng quá nhiều. Lứa dưa đầu tiên tôi hái được hơn 360kg, đó là thành công bước đầu. Lứa sau, tôi sẽ trồng giống Taki của Nhật Bản. Nếu trái đạt chất lượng, phía công ty sẽ bao tiêu sản phẩm cho tôi với mức hơn 60.000 đồng/kg, tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa” - chị Diệu Thu cho hay.
Ngoài canh tác dưa lưới, chị Thu thực hiện vườn rau thủy canh hồi lưu. Đây là cách làm nông hiện đại với việc trồng rau trong hệ thống ống thủy canh có pha dung dịch dinh dưỡng cung cấp cho cây. Có thể nói, thủy canh hồi lưu là bước ngoặt cho NN hiện đại và chị Thu là người thực sự đam mê phương pháp này.
“Tôi sẽ trồng rau romani, lolo xanh, lolo đỏ và khi có kết quả sẽ chuyển sang các loại khác. Thực tế, bản thân chưa có kinh nghiệm ở lĩnh vực này nên phải tự học. Mong rằng sẽ có được kết quả tốt để tôi tiếp tục thực hiện mong muốn của mình” - chị Thu hy vọng.
Thầy giáo làm nông
Anh Phạm Huy Cường (ngụ xã An Hảo, Tịnh Biên) không còn xa lạ bởi sự nỗ lực trong việc phát triển các mô hình NN mới nhằm tận dụng khí hậu đặc thù trên núi Cấm. Anh đã từng trồng các loại hoa xuất xứ Đà Lạt như: lily, cúc đồng tiền, các loại lan, đặc biệt là cây dâu tây.
“Núi Cấm có khí hậu mát mẻ nên tôi có thể thực hiện một số mô hình NN xứ lạnh, trong đó có cây dâu tây. Qua quá trình thử nghiệm, tôi thấy giống dâu tây Nhật Bản và New Zealand có thể thích nghi được khí hậu núi Cấm nên quyết định trồng thử. Tết này, tôi sẽ cho xuất vườn 500 chậu dâu tây New Zealand (mỗi chậu 3 cây) với giá bán 150.000 đồng/chậu.
Từ kinh nghiệm SX, tôi đã làm cho giống dâu New Zealand kết trái trên đỉnh núi Cấm. Kết quả này là nhờ sự cố gắng của bản thân, sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như chi phí đầu tư giống, nhà lưới của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” - anh Cường chia sẻ.
Ngoài ra, anh Cường còn trồng hàng ngàn chậu lan bán Tết như: Hồ điệp, Dendro, Ngọc điểm… Hiện tại, anh Cường đã bán gần hết số lan và đang phải tìm thêm nguồn cung để đủ bán trong dịp Tết. “Số dâu tây đã có nhiều người đặt mua bởi đây là lần đầu tiên loại cây này được “made in An Giang” chứ không phải tại xứ lạnh. Mặt khác, giá cả cũng không quá đắt nên đa số người dân địa phương sẵn sàng đặt mua. Cảm giác được nhìn những trái dâu tây chín mọng lủng lẳng trên cây tạo cảm giác đặc biệt, nhất là ở xứ nóng như miền Tây Nam Bộ. Mong muốn của tôi là biến vườn dâu tây thành điểm đến mới khi du khách đến với đỉnh núi Cấm” - anh Cường kỳ vọng.
Hiện tại, dù đang giảng dạy tại Trường Tiểu học “B” An Hảo nhưng thầy giáo Phạm Huy Cường vẫn tiếp tục thực hiện giấc mơ NN ứng dụng công nghệ cao. Chính những ND đam mê công nghệ như anh Cường và chị Thu sẽ là hình mẫu cho người dân An Giang mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, tiếp cận những mô hình mới, cùng ngành chuyên môn hoàn thành mục tiêu đổi mới SXNN mà tỉnh đang thực hiện.
THANH TIẾN