Nông dân Tri Tôn đổi mới để phát triển

09/06/2023 - 06:30

 - “Đổi mới - Năng động - Liên kết - Phát triển” là chủ đề của Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) lần thứ XII (nhiệm kỳ 2023 - 2028), chính thức diễn ra hôm nay. Việc thực hiện đạt và vượt tất cả 9/9 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XI (nhiệm kỳ 2018 - 2023) là cơ sở để Hội Nông dân huyện đặt mục tiêu cao hơn trong nhiệm kỳ mới, nhằm tận dụng thời cơ nông nghiệp 4.0, đưa huyện miền núi, biên giới, dân tộc, tôn giáo Tri Tôn vươn mình phát triển.

Khuyến khích nông dân Tri Tôn phát triển sản xuất

Khuyến khích sản xuất lớn

Tri Tôn vẫn nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước (giai đoạn 2021 - 2025), nhưng trên địa bàn huyện vẫn có những tỷ phú nông dân với nhiều đổi mới, đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Điển hình như nông dân Nguyễn Thành An (Hai Tân) ở ấp Tân Lợi (xã Tân Tuyến), bên cạnh duy trì tổ hợp tác trồng lúa Nhật (liên kết tiêu thụ chặt chẽ với giá cố định từ đầu vụ), còn sáng tạo đưa cây nhãn Ido về vùng đất phèn, khuyến khích nhiều hộ nông dân cùng trồng nhãn.

Đối với nông dân Phan Văn Thụ (Hai Thụ) ở ấp Tân Thuận (xã Tà Đảnh), ngoài chuyên canh lúa giống cho thu nhập cao, còn nghiên cứu mô hình trồng lúa không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, phát triển vườn dưa lưới công nghệ cao…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Nguyễn Hoài An cho biết, Tri Tôn là huyện có diện tích rộng (60.039ha), đất nông nghiệp lớn (44.983ha), thuận lợi thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại quy mô lớn.

Hội Nông dân huyện phối hợp các ban, ngành, địa phương tập hợp nông dân vào hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững với doanh nghiệp. Thời gian qua, các HTX liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời hình thành vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân với diện tích 19.000ha/vụ, giúp nông dân an tâm sản xuất.

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Hội Nông dân tỉnh An Giang, Ban Thường vụ Huyện ủy, sự hỗ trợ tích cực của UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn cùng sự nỗ lực của cán bộ, hội viên, nông dân toàn huyện, có 9/9 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Tri Tôn lần thứ XI đề ra đều đạt và vượt (3 chỉ tiêu đạt 100%; 6 chỉ tiêu vượt từ 110% trở lên). Huyện xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, vận động thành lập mới 24 HTX, 55 THT, 5 chi hội nông dân nghề nghiệp, 402 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 30 câu lạc bộ nông dân...

Năng động, cùng phát triển

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Nguyễn Hoài An cho biết, một trong những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua là tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 1,7 tỷ đồng (đạt 170% chỉ tiêu nghị quyết). Từ nguồn quỹ này, huyện đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, xây dựng được 12 dự án, với 77 thành viên tham gia trên các lĩnh vực trồng cây ăn trái, chăn nuôi bò, gia cầm theo hướng sinh học.

Huyện quan tâm hỗ trợ mô hình chăn nuôi trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, vùng có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Từ đó, thu hút thêm nông dân tham gia vào tổ chức hội. Nhiệm kỳ 2018 - 2023, kết nạp mới 2.778 hội viên (đạt 111,12% chỉ tiêu nghị quyết), nâng tổng số hội viên nông dân toàn huyện hiện đạt 4.765 hội viên. Đến nay, có 100% cán bộ chuyên trách của huyện và 93% cán bộ hội chuyên trách xã, thị trấn có trình độ đại học, 100% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi được các cấp hội triển khai mạnh mẽ, nông dân hưởng ứng tích cực. Qua tổ chức thành công 2 kỳ Đại hội tuyên dương nông dân SXKD giỏi cấp cơ sở và cấp huyện (giai đoạn 2017 - 2019 và giai đoạn 2019 - 2022), Tri Tôn có 15.174 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp (đạt 101,16% chỉ tiêu nghị quyết). Thông qua phong trào, hỗ trợ, giúp đỡ 496 hộ nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo, tổng kinh phí 14,88 tỷ đồng.

Cùng với chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nông dân huyện Tri Tôn còn đóng góp 18,56 tỷ đồng, cùng hơn 10.000 ngày công lao động xây dựng cầu, nâng cấp lộ nông thôn, lắp camera an ninh; đóng góp tặng 55.315 phần quà cho dân nghèo, khó khăn, trị giá 10,84 tỷ đồng; tặng 300 suất học bổng cho con em hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi, tổng số tiền 300 triệu đồng. Hội viên nông dân còn đóng góp cất mới 120 căn nhà, sửa chữa 60 căn nhà cho nông dân nghèo, kinh phí trên 4,5 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Hoài An, cùng với lợi thế nông nghiệp lớn, huyện Tri Tôn còn có thế mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là định hướng mới nhằm phát triển toàn diện “tam nông”.

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, các cấp hội nông dân toàn huyện tập trung khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tiến bộ, xây dựng nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng, các doanh nghiệp nhằm tạo thế liên hoàn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XII đề ra.

Các chỉ tiêu lớn của Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Tri Tôn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2023 - 2028): Phát triển mới 2.500 hội viên; số hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp tăng từ 5 - 6% mỗi năm, phát triển nông dân giỏi thành doanh nhân nông thôn; phấn đấu tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân 25%/năm, đạt 2,5 tỷ đồng vào năm 2028; đào tạo nghề từ 450 - 500 nông dân/năm, giới thiệu 100% nông dân học nghề có việc làm. Đến cuối nhiệm kỳ 2023 - 2028, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 10 - 11 THT, 3 - 5 chi hội nông dân nghề nghiệp, 5 - 10 tổ hội nông dân nghề nghiệp; toàn huyện có 60 THT sản xuất, 30 câu lạc bộ nông dân…

NGÔ CHUẨN