Nông dân Vĩnh Lợi với nhiều mô hình hay

18/03/2020 - 03:22

Thời gian qua, nông dân xã Vĩnh Lợi (Châu Thành, An Giang) linh động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, nông dân còn mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất.

Chuyển dịch cây trồng

Vĩnh Lợi là xã vùng sâu của huyện Châu Thành. Diện tích tự nhiên khoảng 2.638ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 91%. Kinh tế chủ yếu của xã Vĩnh Lợi là sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng lúa trên 2.319ha, 11ha màu và 27ha cây ăn trái. Ngoài ra, địa phương còn phát triển ngành chăn nuôi với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 9ha và trên 10.200 con gia cầm…

Những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó có sự chuyển biến tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Nông dân dần thay thế sự độc tôn của cây lúa, thay bằng các loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong đó, cây mận hồng đào đá trong màng lưới đang được địa phương lựa chọn, nhân rộng.

Ông Đỗ Hắc Ô (người đi tiên phong trong việc phát triển mô hình trồng mận hồng đào đá trong màng lưới) cho biết, trước đây, gia đình ông trồng lúa hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Năm 2017, ông mạnh dạn chuyển đổi 4 công đất lên liếp trồng mận hồng đào đá.

Trong quá trình canh tác, thấy nhiều nông dân ở TP. Cần Thơ áp dụng phương pháp trồng trong màng lưới, từ đó ông mạnh dạn chuyển đổi làm theo. Với 4 công đất ông đầu tư 25 triệu đồng mua màng lưới phủ cả vườn mận, cách làm này đã góp phần rất lớn trong việc hạn chế sâu bệnh gây hại. Từ đó, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng giá thành sản phẩm.

Theo ông Ô, mận hồng đào đá sau khi trồng 18 tháng bắt đầu cho trái. Với 130 gốc mận, đợt đầu tiên gia đình ông thu hoạch 3 tấn, bán với giá từ 10.000-15.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về trên 45 triệu đồng. “Mận hồng đào đá nếu chăm sóc đúng kỹ thuật mỗi cây sẽ cho từ 23-25kg trái/vụ. Đặc biệt, giống mận này có thể ra trái quanh năm, trái to (khoảng 10 trái/kg), đặc ruột, ăn rất ngọt”- ông Ô chia sẻ.

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập

Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nông dân xã Vĩnh Thành còn được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi Võ Hữu Dự cho biết, địa phương còn phối hợp ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật cho bà con nông dân. Cụ thể như: “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”; kỹ thuật trồng và bảo quản nấm ăn; kỹ thuật trồng và thiết kế vườn cây ăn trái… Kết quả cho thấy, trong quá trình sản xuất nông dân đã giảm rất lớn chi phí đầu vào, tăng năng suất và lợi nhuận.

Hiệu quả từ mô hình hợp tác

Thời gian qua, Hội Nông dân xã Vĩnh Thành đã tích cực vận động bà con nông dân tham gia các mô hình liên kết sản xuất. Các mô hình này về cơ bản đã phát huy vai trò là cầu nối giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, giúp nâng cao chất lượng sản xuất, đảm bảo dịch vụ đầu ra và đầu vào cho nông dân.

Được thành lập năm 2018, Tổ hợp tác (THT) sản xuất nấm Hòa Lợi với sự tham gia của 11 thành viên. Ông Trần Công Tạo (Tổ trưởng THT sản xuất nấm Hòa Lợi) cho biết, tham gia THT nông dân được hỗ trợ tập huấn các kiến thức về kỹ thuật trồng và bảo quản nấm rơm và được giới thiệu những cơ sở sản xuất meo nấm có uy tín để nông dân chọn mua.

Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn được hỗ trợ vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Trên cơ sở đó đã giúp người nông dân gặt hái được nhiều thành công trong việc phát triển mô hình trồng nấm.

“Đến nay, mỗi hộ nông dân trong tổ đều phát triển mô hình trồng nấm rơm trong nhà với diện tích từ 20-120m2. Chu kỳ mỗi vụ sản xuất kéo dài khoảng 1,5 tháng. Sản lượng ổn định từ 600-800kg/nhà trồng, doanh thu từ 36-48 triệu đồng/nhà/năm (nhà trồng 20m2). Tổ còn ký hợp đồng mua nguyên liệu cho các thành viên với giá thấp hơn thị trường từ 4.200-4.500 đồng/kg. Đồng thời, bảo đảm số lượng sản phẩm giao cho các đầu mối với giá khoảng 50.000-70.000 đồng/kg nấm” - ông Tạo chia sẻ.

Ngoài liên kết trong sản xuất, nông dân còn đoàn kết, tương trợ nhau, giúp nhau trong công tác giảm nghèo của địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh xã hội khu vực nông thôn. Đặc biệt, nông dân còn tích cực đóng góp công sức, kinh phí để thực hiện các công trình phúc lợi xã hội; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lợi Võ Hữu Dự cho biết, địa phương sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Góp phần hình thành những vùng liên kết sản xuất hàng hóa lớn, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khuyến khích nông dân khởi nghiệp và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, tham gia các THT, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

ĐỨC TOÀN