Thống nhất quan điểm chỉ đạo của Đảng, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội ND xã quan tâm chỉ đạo phong trào ND thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu. Bình quân hàng năm có 375 hộ đạt danh hiệu “Hộ ND sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp (trong tổng số 420 hộ đăng ký phấn đấu); giúp gần 400 lượt lao động có việc làm tại địa phương; giúp nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã.
Ông Nguyễn Văn Thuận (ngụ tổ 3, ấp Bình Hòa 2) là một điển hình. Trước đây, mảnh vườn trên 1.500m2 của ông trồng nhãn. Sau 10 năm, nhãn bị thoái hóa, không cho năng suất như trước. Thu nhập gia đình sụt giảm, ông rất băn khoăn, không biết trồng cây gì cho phù hợp. Tình cờ, ông gặp vườn dâu tằm giống Đà Lạt, với đặc tính dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng ĐBSCL. Ngoài việc ăn tươi, dâu còn có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như: nước cốt dâu, rượu dâu, mứt dâu... là vị thuốc quý chữa nhiều chứng bệnh. Ông hào hứng xin chủ vườn chia lại một ít cây giống. Mấy năm sau, dâu phát triển tốt, ông phá bỏ nhãn, lập vườn dâu. Nhẩm tính, ông thấy dâu cho năng suất hiệu quả, lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với vườn nhãn trước đây.
“Năm 2014, tôi quyết định đầu tư vốn, nhân rộng mô hình thêm gần 3.000m2. Hiện nay, trên dưới 4.000m2 dâu được xử lý luân phiên cho trái (1 năm 3 mùa vụ) để phục vụ khách đến tham quan. Mô hình trồng dâu được phổ biến, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và thông tin đại chúng. Khách phương xa đến mua cây giống, sản phẩm từ dâu, tham quan vui chơi tại vườn... và rất luyến tiếc khi ra về. Bản thân tôi nhận thấy, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, ổn định kinh tế gia đình, đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tạo cảnh quan cho quê hương. Bên cạnh đó, vườn dâu tạo thêm công ăn việc làm cho 10-15 lao động khi đến mùa thu hoạch, giúp họ có thu nhập từ 50.000-100.000 đồng/người/buổi” - ông Thuận chia sẻ.
Hội ND xã còn chú trọng tuyên truyền, vận động về vị trí và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thông qua đó, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế cho ND, như: sản xuất lươn giống, trồng rau hữu cơ, rau thủy canh, nuôi heo hữu cơ, nấm ăn dược liệu các loại, trồng dưa sử dụng màn phủ...
Ông Đào Quang Trí (ngụ ấp Bình Khánh, Tổ sản xuất rau an toàn) thông tin: “Lúc trước, được sự hỗ trợ của Trạm Bảo vệ thực vật TP. Long Xuyên, Tổ sản xuất rau an toàn được thành lập, với 1,3ha (trong tổng số 5,7ha chuyên màu trên toàn xã). ND trồng nhiều chủng loại khác nhau, bước đầu khá lúng túng, chưa phân bổ để trồng loại rau phù hợp thị trường. Gần đây, các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn, tập huấn khoa học - kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cộng với giá cả ổn định, ND từng bước mở rộng diện tích, số hộ tham gia ngày càng nhiều. Hiện nay, 17 thành viên tham gia sản xuất trên 2ha, tận dụng tối đa diện tích quanh nhà, sân bãi, khu đê bao... trồng nhiều chủng loại, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Bình quân mỗi hộ trồng từ 300 đến 2.500m2, cách 20-25 ngày thu hoạch 1 lần. Trừ các khoản chi phí, ND có lời khoảng 2,6 - 3,2 triệu đồng/công”.
“Mỹ Khánh đã trở thành xã NTM từ cuối năm 2016. Trước và sau cột mốc quan trọng đó, hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng NTM. Hưởng ứng phong trào thi đua, ND đã hiến 10,5ha đất, đóng góp trên 4,4 tỷ đồng, gần 3.000 ngày công để làm mới và sửa chữa gần 8km đường giao thông NT, 26km kênh, mương nội đồng. ND xã còn tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...” - Phó Chủ tịch Hội ND xã Mỹ Khánh Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội ND TP. Long Xuyên Trần Phước Bạo cho rằng: “Việc sản xuất của ND còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong tình hình kinh tế hiện nay. Do vậy, Hội HD xã cần nghiên cứu, phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn mở lớp dạy nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm đầu ra và đối tác bao tiêu sản phẩm cho ND. Mặt khác, cần chú trọng công tác vận động ND tích cực tham gia giữ vững và nâng chất xã NTM, định hướng mô hình sản xuất phù hợp, nhằm phát huy lợi thế; vận động hội viên tham gia mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, trồng hoa kiểng, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, du lịch sinh thái trong nông nghiệp... hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ND”.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH