Nông nghiệp An Giang đón đầu cơ hội mới

30/01/2022 - 06:00

 - Trong những thời điểm khó khăn, nhất là dịch bệnh COVID-19, nông nghiệp An Giang càng chứng minh vai trò nền tảng, bệ đỡ của nền kinh tế. Giai đoạn 2021-2025, An Giang quyết tâm chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xây dựng những vùng nông thôn mới (NTM) đáng sống, giúp nông dân yên tâm bám ruộng, ao, vườn, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Đợt bùng phát dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, gián đoạn sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Ước tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của tỉnh đạt 2,15%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ (năm 2020 tăng trưởng 2,46%).

Trong khi các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được xem là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tăng khá so với năm 2020 là những điểm sáng đáng ghi nhận. Ước tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,69%, cao hơn cùng kỳ (năm 2020 tăng 1,97%).

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang (thứ 3, từ trái sang) khảo sát sản xuất nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng cả năm 2021 khoảng 673.000ha, tuy giảm 14.600ha so năm 2020 nhưng bù lại, năng suất lúa bình quân cao hơn (trên 6,66 tấn/ha, tăng hơn 0,36 tấn/ha), tổng sản lượng ước đạt 4,163 triệu tấn (tăng 148.600 tấn), sản xuất thuận lợi, “trúng mùa, trúng giá”. Với diện tích trồng cây lâu năm (chủ yếu cây ăn trái) khoảng 20.000ha (tăng 1.000ha), ước tổng sản lượng thu hoạch khoảng 287.000 tấn (tăng 19.400 tấn so năm 2020); sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt khoảng 500.000 tấn (tăng hơn 3.000 tấn); tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phục hồi tốt, kéo khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trong lĩnh vực chăn nuôi, khuynh hướng chăn nuôi trang trại quy mô lớn và sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng. Tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, như: Tập đoàn TH, THACO, C.P, Công ty An Khang, Trí Nghĩa, AFIEX...

Cùng với phát huy thế mạnh thủy sản, nhất là nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, An Giang đang phấn đấu trở thành trung tâm cung ứng con giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Tỉnh đã mời gọi nhiều nhà đầu tư lớn, như: Tập đoàn Việt Úc, Sao Mai, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Công ty Lộc Kim Chi, Cửu Long, Agifish… tham gia vào Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, xây dựng các vùng ương giống tập trung, vùng nguyên liệu cá tra công nghệ cao.

Đối với cây lúa, trong khi diện tích “Cánh đồng lớn” ở khu vực ĐBSCL có khuynh hướng giảm thì tại An Giang tăng qua từng năm. Nếu như năm 2020, đạt 40.802ha thì năm 2021, tăng lên 105.569ha. Năm 2022, chỉ riêng Tập đoàn Lộc Trời có nhu cầu liên kết 267.000ha. Ngoài ra, còn có các DN tích cực tham gia liên kết, như: Tập đoàn Tân Long, Sunrice, các công ty Angimex, Tấn Vương, Angimex – Kitoku, Gentraco...

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác

Việc đẩy mạnh thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới để đại diện ký hợp đồng liên kết với DN cho thấy hiệu quả tốt, được tỉnh hỗ trợ, nông dân đồng tình tham gia. Sau khi ký thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời đã tích cực tham gia thành lập HTX, tổ hợp tác (THT). Đến nay, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết thành lập 24 HTX kiểu mới (công ty góp vốn đầu tư và cử nhân sự tham gia điều hành HTX). Ngày 9-8-2021, Liên hiệp HTX Thoại Sơn đã được thành lập, gồm 7 HTX thành viên tham gia góp vốn hoạt động.

Đây là liên hiệp HTX chuyên ngành lúa gạo đầu tiên của tỉnh An Giang, mở ra mô hình điểm cho vùng ĐBSCL về liên kết hợp tác kiểu mới. Trong đó, HTX nông nghiệp An Bình (thành viên Liên hiệp HTX Thoại Sơn) được Sở NN&PTNT đề xuất xây dựng thành HTX điểm về logistics, đóng vai trò là hạt nhân để kết nối tất cả các HTX tham gia Đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên phục vụ chế biến và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025 (do Bộ NN&PTNT triển khai).

An Giang ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao

Xác định vai trò của kinh tế tập thể, ngày 29-6-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động 06-CTr/TU về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang, giai đoạn 2021-2025.

Trong định hướng phát triển, tỉnh đổi mới phương thức và hình thức hoạt động của các HTX, THT theo hướng hiện đại, hiệu quả, xóa bỏ tư duy bao cấp, lạc hậu. Phấn đấu đến cuối năm 2025, phải có trên 80% nông dân, hộ chăn nuôi là thành viên HTX, THT; xây dựng và phát triển ít nhất 2 liên hiệp HTX (có liên hiệp HTX quy mô cấp tỉnh), các hiệp hội ngành hàng, câu lạc bộ của các thành viên trong HTX, liên hiệp HTX. Thông qua liên kết hợp tác, dần chuyển đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Thời gian qua, tuy trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp nhưng ngành nông nghiệp đã luôn năng động ứng phó, hỗ trợ tốt cho địa phương về tiêu thụ nông sản. Điểm sáng năm 2021 là toàn tỉnh đã thành lập được các tổ phản ứng nhanh nông nghiệp các cấp, đóng góp tích cực vào hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thông qua kết nối với Tổ 970 của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp, các sàn thương mại giao dịch điện tử, các đoàn thể… nông sản của An Giang được tiêu thụ tốt, người dân yên tâm sản xuất.

Tận dụng thời cơ mới

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đang mang đến những thách thức và cả cơ hội mới cho Việt Nam. Cụ thể, nông nghiệp Việt Nam đã hoàn thành tốt sứ mệnh an ninh lương thực, trở thành nước xuất khẩu lớn về nông sản. Giá lúa gạo luôn ở mức cao nhất trong 10 năm qua, đời sống nông dân cải thiện rõ rệt.

Từ nay đến năm 2025, An Giang phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân khoảng 2,8%/năm; đẩy mạnh xây dựng huyện, xã NTM và NTM nâng cao. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ triển khai đột phá mạnh và sâu vào lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Trong đó, tham gia cùng với các cơ quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp cận các DN theo hướng tạo điều kiện linh hoạt, cơ chế thông thoáng, đồng hành và hỗ trợ giúp các DN an tâm đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực trên địa bàn tỉnh An Giang, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản.

Trong sản xuất, ngành nông nghiệp tập trung các chỉ tiêu tăng trưởng về mặt chất lượng, chú trọng các tiêu chuẩn được chứng nhận, như: VietGAP, GlobalGAP, EuroGAP, AseanGAP... và các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, An Giang đã được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cấp 178 mã số vùng trồng, gồm 148 mã số trên cây ăn trái với 7.266,52ha và 30 mã số trên lúa với 2.122,9ha. Sở NN&PTNT đã ký thỏa thuận hợp tác với Cục BVTV giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất đối với lúa, dựa trên nền tảng chủ yếu là quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, SRP, tuân theo các quy trình kỹ thuật vào các thị trường Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ… Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, sẽ tiến đến cấp được mã số vùng trồng cho gần 170.000ha lúa, 4.650ha rau màu và 14.160ha cây ăn trái, góp phần nâng cao giá trị nông sản An Giang.

Thời kỳ 2022-2025 có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang giai đoạn số. Kế hoạch từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp hướng đến sản xuất theo chiều sâu, gia tăng giá trị theo chuỗi, chuyển đổi số, tăng quy mô nông hộ, mở rộng vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao, công nghệ thông minh trong sản xuất... nhằm phát huy tối đa lợi thế nông nghiệp, xây dựng những vùng nông thôn thành nơi thật sự đáng sống.

NGÔ CHUẨN