Nông nghiệp An Giang góp sức cùng cả nước

03/01/2025 - 07:20

 - Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, đã khẳng định thành quả quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, nông nghiệp An Giang đã có những đóng góp tích cực vào thành quả chung đó.

An Giang tích cực triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2024, tăng trưởng GDP toàn ngành ước đạt khoảng 3,3%. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Sản lượng, năng suất nhiều sản phẩm chủ lực tăng khá cao, tiêu biểu, như: Lúa đạt gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%; thịt hơi các loại đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5%; thủy sản đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%. Bên cạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục, lần lượt là 62,5 tỷ USD (tăng 18,7%) và 17,9 tỷ USD (tăng 46,8%), chiếm khoảng 71,6% thặng dư cả nước. Trong đó,  có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, cà-phê, hạt điều, tôm, cao su.

Từ những kết quả tích cực đó, năm 2025, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,4 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 64 - 65 tỷ USD. Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02%, nâng cao chất lượng rừng.

Đối với tỉnh An Giang, địa phương đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào thành quả chung của ngành nông nghiệp cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của tỉnh ước đạt 7,16%, trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 3,67%. Về kim ngạch xuất khẩu, An Giang ước đạt 1,220 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, xuất khẩu nông, thủy sản đạt nhiều kết quả khởi sắc, với các mặt hàng chủ lực, như: Gạo đạt 340 triệu USD, tăng 0,29%; thủy sản đông lạnh đạt 370 triệu USD, tăng 3,06%; rau quả đông lạnh đạt 66 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bình quân trên 1ha là 248,23 triệu đồng, tăng hơn 27 triệu đồng so với năm trước; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 66,08 triệu đồng, tăng 7,38 triệu đồng/người.

Trong thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, An Giang cũng đã triển khai 22 mô hình trên diện tích 1.117ha, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo. Trong đó, có 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, với diện tích 52ha ở 4 huyện: Tri Tôn, Châu Thành, Thoại Sơn và Phú Tân.

Không chỉ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản, An Giang cũng đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 76/110 xã nông thôn mới (tỷ lệ khoảng 70%), với 34 xã nông thôn mới nâng cao; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm xã: Định Thành, Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn) về lĩnh vực tổ chức sản xuất và lĩnh vực giáo dục. Đồng thời, tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn. Đặc biệt, Huyện Thoại Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao tại Quyết định 750/QĐ-TTg, ngày 1/8/2024.

Dù đạt được những kết quả tích cực, An Giang cũng đối mặt với những khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, như: Việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, việc hình thành vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn chưa tương xứng tiềm năng…

Để khắc phục những khó khăn, An Giang đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; triển khai kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ cho 12 ngành hàng thế mạnh của tỉnh; tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang… Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Chính phủ, Bộ NN&PTNT quan tâm, đầu tư hạ tầng logistics nhằm đáp ứng hoạt động sản xuất và nhu cầu thiết yếu của các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Quan tâm, bổ sung nguồn vốn giúp địa phương thực hiện duy tu, sửa chữa, cải tạo các hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan.

Cùng với đó, cần có chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi ngành hàng chủ lực, ưu tiên nguồn vốn trung, dài hạn để các doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất thực chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang.

THANH TIẾN