Nông nghiệp An Giang tranh thủ thời cơ “bứt phá”

04/02/2024 - 13:33

 - Trong khi nhiều tỉnh công nghiệp vẫn còn “ngấm đòn” sau đại dịch COVID-19 thì một tỉnh nông nghiệp như An Giang cho thấy khả năng phục hồi tốt. Nông nghiệp tiếp tục sẽ là “bệ đỡ” vững chắc thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025; tận dụng cơ hội bứt phá trước xu hướng nông nghiệp xanh, bền vững.

Nền tảng vững chắc

Trong lịch sử phát triển của tỉnh An Giang, những giai đoạn khó khăn nhất thường được tháo gỡ nhờ vai trò tiên phong, đột phá của nông nghiệp. Đó là thời kỳ đổi mới, An Giang chuyển mình từ một tỉnh đói ăn thành địa phương xuất khẩu gạo hàng đầu, chủ động thoát khỏi cơ chế bao cấp. Đó là sáng kiến đầu tư mạnh cho thủy lợi, giúp tăng diện tích, tăng vụ, trở thành “vựa lúa” của cả nước. An Giang cũng là “cái nôi” đưa ngành cá tra từ khai thác tự nhiên sang nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu chuyên nghiệp, sản phẩm cá tra có mặt khắp năm châu…

Ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), kinh tế An Giang đối mặt thách thức kéo dài mang tên COVID-19. Phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngành nông nghiệp An Giang đã sáng tạo thành lập những tổ phản ứng nhanh, triển khai từ tỉnh đến huyện, xã, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp (DN), nông dân trong kết nối, hỗ trợ, đưa lương thực, thực phẩm, trái cây, rau, củ, quả của tỉnh đến những nơi cần, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dịch COVID-19 được kiểm soát, nhưng vẫn còn tác động nặng nề. Một lần nữa, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của kinh tế An Giang. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2022, khi nhiều lĩnh vực khác còn khó khăn, nông nghiệp phục hồi tích cực với tốc độ tăng trưởng 3,16%. Năm 2023, ngành nông nghiệp tăng tốc ấn tượng với mức tăng trưởng 4,43% (lần đầu tiên vượt mốc 4%), vượt kịch bản đề ra (ước cả năm 2023 đạt từ 3,2 - 3,5%); đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng 7,34% của tỉnh.

So Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở NN&PTNT lần thứ X, đến giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 10/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đầu nhiệm kỳ đề ra; khả năng cao hoàn thành 100% chỉ tiêu nghị quyết đến cuối nhiệm kỳ, cho thấy nỗ lực rất lớn của toàn ngành.

Chú trọng liên kết, hợp tác

Là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lĩnh vực NN&PTNT được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, ban hành các chương trình hành động, đề án, kế hoạch cụ thể trên từng lĩnh vực. Qua quá trình triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả khả quan.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tập trung phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 210 HTX nông nghiệp (có 2 liên hiệp HTX), với 13.144 thành viên, trong đó có khoảng 62 HTX hợp tác, liên kết với gần 30 DN trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đồng thời, có 1.087 THT đang hoạt động, với 15.925 thành viên tham gia. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 261 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 50% số HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với DN.

Bên cạnh các DN đã gắn kết với tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp tích cực phối hợp mời gọi thêm nhiều DN mới thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt (lúa, rau màu, cây ăn trái), đạt chỉ tiêu mỗi ngành hàng có ít nhất 2 DN mới gắn kết. Với sự tham gia của Tập đoàn THACO, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, tổng đàn heo, gà sản xuất theo hình thức trang trại công nghiệp tăng nhanh.

Khi Tập đoàn TH hoàn thành dự án trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao ở An Giang, tạo điều kiện phát triển đàn bò sữa gắn với thương hiệu sữa TH True Milk. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh hình thành 7 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong chăn nuôi; diện tích mặt nước nuôi thủy sản đạt 2.500ha, 3.870 lồng bè, sản lượng nuôi 680.000 tấn/năm, thêm 3 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy sản ra đời.

Tận dụng cơ hội

Vừa qua, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chính thức phát động thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Dự án nông nghiệp bền vững có quy mô lớn đầu tiên trên thế giới này nhận được sự ủng hộ, cam kết đồng hành của nhiều tổ chức quốc tế uy tín, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)… Đây được xem là cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất toàn diện của ngành hàng lúa gạo, tận dụng ưu đãi giảm phát thải để nâng cao giá trị, thương hiệu, uy tín hạt gạo Việt Nam, trước hết là tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, hưởng lợi từ bán tín chỉ carbon.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, với lợi thế của một tỉnh sản xuất lúa hàng đầu cả nước, có điều kiện canh tác quanh năm với năng suất, chất lượng cao, đề án là cơ hội bứt phá cho ngành hàng lúa gạo An Giang. Thực tế, tỉnh đã có bước chuẩn bị từ nhiều năm nay để tận dụng ưu thế này, đặc biệt là khuyến khích DN xây dựng vùng nguyên liệu và góp vốn, nhân sự thành lập HTX kiểu mới. Ngày 7/11/2023, Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ký thỏa thuận hợp tác “4 bên” về tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo đó, diện tích liên kết đạt 139.000ha và khả năng mua thêm khoảng 221.238ha năm 2024; tăng lên 257.000ha và khả năng mở rộng thu mua thêm 162.748ha năm 2025. Đến năm 2030, diện tích gieo trồng được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết “Cánh đồng lớn” đạt 423.700ha, khả năng thu mua thêm 176.300ha; có 90 HTX liên kết, 200 chi hội nông dân nghề nghiệp Lộc Trời.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025 là thời cơ quan trọng của nông nghiệp An Giang khi nhiều chính sách mới được sửa đổi hoặc ban hành, nhất là chính sách đất đai, hướng đến thúc đẩy tập trung, tích tụ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong định hướng phát triển bền vững ĐBSCL, An Giang được xác định là vựa lúa chính của cả nước và trung tâm sản xuất, chế biến cá da trơn tầm cỡ thế giới.

Với hệ thống cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL ngày càng được đầu tư hoàn thiện, tạo kết nối với các vùng kinh tế cả nước và cửa ngõ ASEAN qua Campuchia; chủ trương xây dựng cảng nước sâu Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) với khả năng đón tàu lên tới 100.000 tấn… sẽ là động lực thúc đẩy nâng cao giá trị, phát huy lợi thế và dư địa phát triển nông nghiệp của An Giang.

Đến năm 2025, An Giang phấn đấu có thêm 33 xã nông thôn mới (NTM), trong đó có thêm 24 xã NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Tỉnh phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao - cấp quốc gia… Cùng với đổi mới phát triển nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển toàn diện nông thôn, xây dựng NTM thành “những miền quê đáng sống”.

 

NGÔ CHUẨN