Khái niệm nông nghiệp đô thị (NNĐT) được đề cập khoảng 20 năm trở lại đây ở các nước phát triển, cùng với chủ đề phát triển bền vững. NNĐT được hiểu là việc sử dụng các diện tích nhỏ, các lô đất trống, sân vườn, thảm cỏ, ban công, sân thượng… trong các thành phố lớn để trồng cây hoặc chăn nuôi gia cầm, gia súc nhỏ phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn, bảo đảm sự cân bằng sinh thái, tạo hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng môi trường…, sau đó, toàn bộ, hay một phần sản phẩm, được thương mại hóa.
Được sản xuất và phân phối tại chỗ nên thực phẩm từ NNĐT ít tốn phí vận chuyển, đóng gói và lưu trữ, tỉ lệ hao hụt do lưu trữ - vận chuyển giảm; tươi ngon, giàu dinh dưỡng và có giá cạnh tranh do giảm được các nấc trung gian; chi phí sản xuất thấp và phát thải CO2 cũng giảm.
Trồng rau quả trên ban công để có rau ăn tại gia và tăng thu nhập.
Đô thị hóa đã thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, làm tăng số lượng cư dân thành phố; biến đổi khí hậu tác động mạnh đến điều kiện canh tác, nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi thất thường ảnh hưởng nặng nề đến mùa vụ... đã tạo điều kiện cho NNĐT phát triển ở nhiều nơi trên thế giới.
Tại Cairo, đầu thập kỷ 1990, một nhóm giáo sư nông nghiệp phát triển phương pháp trồng rau trên sân thượng tại khu vực đô thị đông dân, sau đó, được mở rộng nhanh khi có hậu thuẫn chính thức của FAO vào năm 2001. Tại Mumbai - một trong các thành phố có mật độ dân cao nhất thế giới, người dân làm vườn hữu cơ quy mô nhỏ trên cơ sở dùng bã mía trộn đất đựng trong túi nhựa hay trong các loại hộp, ống, lốp xe, treo trên ban công, thậm chí trên tường, để có rau ăn tại gia và tăng thu nhập. Hộ gia đình có thể tự túc được 5 kg rau quả mỗi ngày trong 300 ngày của năm.
Ở Trung Quốc, tại nhiều thành phố lớn của nước này, NNĐT và ven đô cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh, 50% về thịt trứng của người dân. Riêng Thượng Hải dùng đến 60% rau, 90% trứng và có 800.000 việc làm từ NNĐT; Bắc Kinh thu 271 triệu USD mỗi năm nhờ khai thác du lịch từ NNĐT.
Cuba phát triển mạnh mẽ NNĐT để cung ứng thực phẩm tươi sống tại chỗ cho cư dân đô thị, nhờ đó thủ đô Havana đã tự túc được đến 90% loại thực phẩm này. Năm 2008 có hơn 20 vạn thị dân Cuba làm việc trong ngành này, sử dụng 140 km2 đất đô thị. Các học giả phương Tây vẫn coi Havana như một hình mẫu thành công của NNĐT và quản lý đô thị của thế giới.
NNĐT thường có quy mô nhỏ, nhưng lại dễ dàng tiếp cận công nghệ, quản lý sâu bệnh, phân bón, nước tưới,…và giàu tiềm năng về đầu tư, chăm sóc, nên thường cho năng suất cao (cao hơn so với vùng nông thôn 15 lần, 1 m2 diện tích có thể cung cấp 20 kg thực phẩm mỗi năm).
Theo Michael Hamm - Giáo sư về nông nghiệp bền vững Đại học Michigan, với hơn 100.000 khoảng đất trống, bằng công nghệ sinh học, có thể đáp ứng 3/4 lượng rau và gần 1/2 lượng quả đối với nhu cầu tiêu thụ của một thành phố 700.000 dân. NNĐT nếu được tổ chức tốt, sẽ tạo ra nguồn thực phẩm tươi sống và an toàn - điều thật sự có ý nghĩa hiện nay - khi yêu cầu về thực phẩm ngày càng tăng về số lượng lẫn chất lượng.
Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, NNĐT và ven đô có thể góp phần đảm bảo lương thực tươi sống cho người dân, giúp người tiêu dùng nghèo tiếp cận thức ăn rẽ tiền từ các hộ sản xuất và từ các chợ gần. Những người sản xuất trên diện tích nhỏ cũng có thể tự cung cấp sản phẩm và bán lượng dư thừa ra thị trường để tăng thu nhập.
Ước tính, trên thế giới hiện có khoảng 800 triệu người kiếm sống nhờ sản xuất thức ăn, lương thực từ NNĐT. Khi có thảm họa, việc tự cung cấp lương thực sạch rất quan trọng và những không gian mở ở đô thị như đất nông nghiệp có thể được sử dụng làm nơi cấp cứu, hay điểm định cư tạm thời.
Sản phẩm nông nghiệp được trồng từ những diện tích đất nhỏ tại thành phố.
NNĐT còn có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng... NNĐT cũng có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới..., góp phần quan trọng để giảm ô nhiễm môi trường.
So với canh tác truyền thống, NNĐT hiệu quả hơn; bền vững hơn; sản phẩm hữu cơ trở nên dễ tiếp cận hơn; tạo không gian nhỏ thân thiện; cho phép thưởng thức sản phẩm tươi sống quanh năm, và đơn giản. NNĐT đã và đang góp phần rất lớn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của các quốc gia trong quá trình đô thị hóa. NNĐT sẽ tiếp tục là giải pháp và là hướng đi chiến lược cho sự phát triển nhanh, bền vững của các đô thị sinh thái trong tương lai./.
Theo VOV